Trường PTDTNT - THCS Văn Yên: Tích cực nâng cao chất lượng dạy và học

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/11/2017 | 8:14:02 AM

YBĐT - Là mái trường chắp cánh ước mơ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, những năm qua, Ban Giám hiệu Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - Trung học cơ sở (PTDTNT - THCS) huyện Văn Yên đã tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng học tập góp phần quan trọng vào sự phát triển hệ thống giáo dục chung của huyện.

Học sinh lớp 9A Trường PTDTNT - THCS huyện Văn Yên trong giờ học chính khóa.
Học sinh lớp 9A Trường PTDTNT - THCS huyện Văn Yên trong giờ học chính khóa.

Thầy giáo Nguyễn Văn Khương - Hiệu trưởng Trường PTDTNT - THCS huyện Văn Yên cho biết: "Thông qua giao ban hàng tháng, quý, tuỳ vào kết quả từng môn học, từng học sinh mà chúng tôi có nhận xét, đánh giá cụ thể. Qua đó, tham mưu, định hướng thêm cho các thầy cô giáo bộ môn điều chỉnh một số phương pháp nhằm khích lệ các em chủ động suy nghĩ, thảo luận về cách giải quyết vấn đề từ đó thầy, cô giáo sẽ tổng hợp và đưa ra phương pháp chung nhất. Ngoài ra, còn khuyến khích học sinh học nhóm để các em cùng trao đổi, thảo luận về một vấn đề, cùng tìm ra phương pháp giải quyết hiệu quả nhất; thảo luận cũng giúp các em nắm chắc kiến thức hơn, đồng thời đây cũng là cách để dìu dắt một số em nhận thức chậm hơn ngoài giờ học chính khoá...”.
 
Không chỉ chú trọng việc học tập mà sinh hoạt của các em cũng được nhà trường quan tâm sát sao. Hàng ngày, Trường dành một khoảng thời gian vào các buổi chiều sau khi tan học để học sinh tự do vui chơi, giao lưu, tìm hiểu, tham gia hoạt động văn thể mà mình yêu thích.

Để duy trì, nâng cao hơn nữa kết quả học tập, Ban Giám hiệu nhà trường còn thường xuyên dự giờ, dự sinh hoạt tổ chuyên môn, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh và đánh giá xếp loại giáo viên theo quy định; tăng cường bổ sung thiết bị, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy và bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ giáo viên. Triển khai giảng dạy đầy đủ các môn học tự chọn, học nghề đối với khối lớp 9; dạy Tin học đối với khối lớp 6, 7, 8 và Ngoại ngữ cho tất cả các khối lớp.
 
Không chỉ dạy đúng đủ giờ, đủ tiết, đủ môn, ngoài giờ học chính khoá nhà trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khoá, đặc biệt là dạy phụ đạo thêm cho các em nhận thức chậm, tổ chức ôn, luyện bồi dưỡng tích cực trước các kỳ kiểm tra học kỳ, kết thúc năm học và các em học sinh tham gia dự thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.
 
Ngoài ra, các thầy, cô giáo bộ môn, giáo viên chủ nhiệm còn luôn quan tâm, gần gũi với từng học sinh để hiểu các em hơn và áp dụng các phương pháp giảng dạy đa chiều nhằm kích thích các em tư duy cũng như phát huy cao nhất năng khiếu, năng lực trong học tập.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt - giáo viên Ngoại ngữ cho biết: "Tiếng Anh là môn học rất khó đối với học sinh khối lớp 6 vì các trường tiểu học ở xã đều chưa dạy môn này; bên cạnh đó nhiều em còn nói ngọng, phát âm khó, cộng với tính nhút nhát... nên học Tiếng Anh lại càng khó hơn. Để học tốt môn này, ngoài giảng dạy chính khoá, luyện tập, ôn bài đầy đủ thì hàng ngày chúng tôi luôn phải gần gũi, vận động các em tích cực tham gia các hoạt động tập thể để hòa nhập, cởi mở từ đó mạnh dạn, tự tin khi nói trước đám đông, thuận lợi cho quá trình rèn luyện cách phát âm theo nhóm, từng đôi một...”.

Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên nhà trường còn tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra, luôn gần gũi, theo sát để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh từ đó có hướng giúp đỡ kịp thời. Nhà trường cũng luôn quan tâm chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giúp học sinh mạnh dạn, tự tin. Qua đó, mỗi năm, Trường có hàng trăm em học sinh vươn lên trong học tập với thành tích khá, giỏi như các em: Lý Văn Tâm, Triệu Thiết Văn lớp 9B, Phùng Thị Quỳnh Trang lớp 8A...
 
Em Long Thanh Hà - học sinh lớp 9A chia sẻ: "Nhờ sự quan tâm, dạy bảo của các thầy, cô giáo đã giúp em sớm hòa nhập với môi trường tập thể, yên tâm học tập, sinh hoạt và tìm được phương pháp học tốt nhất. Nhờ đó, hơn 3 năm học qua em đều đạt học sinh giỏi và giúp đỡ một số bạn tìm chọn được phương pháp học tốt”.

Với sự nỗ lực của thầy và trò trong dạy và học, kết thúc năm học 2016 - 2017, Trường PTDTNT – THCS có trên 56% học sinh đạt học lực khá và giỏi, gần 44% đạt trung bình, không có học sinh yếu, kém.
 
Về rèn luyện, có gần 90% học sinh đạt hạnh kiểm tốt còn lại khá. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2016 - 2017, Trường có một học sinh đoạt 1 giải Ba môn Địa lý, 3 học sinh đoạt giải Khuyến khích môn Địa lý và Hóa học; 6 giải về thi môn Tiếng Anh, Toán, Vật lý qua mạng. Đặc biệt, đầu năm học 2017 - 2018, Trường PTDTNT - THCS huyện Văn Yên đã vinh dự được đón nhận Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Đây là niềm vinh dự và động lực lớn cho thầy và trò nhà trường tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt trong những năm học tiếp theo.

A Mua

Các tin khác
Đồng chí Dương Văn Tiến  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

YBĐT - Phấn đấu trên 70% các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ được kinh phí là mục tiêu đưa ra tại hội nghị do UBND tỉnh tổ chức ngày 27/11.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 1.187,265 tấn gạo từ nguồn dự trự quốc gia cho 2 tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Hà Văn Cường ở thôn Đồng Tháp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Đến Tân Đồng, huyện Trấn Yên - một trong những xã cán đích NTM đầu tiên của tỉnh bây giờ là hình ảnh của những con đường bê tông liên thôn, bản sạch đẹp trải dài tít tắp; nhiều ngôi nhà mái bằng, cao tầng mọc lên; bà con phấn khởi, hăng hái thi đua lao động sản xuất… Có được sự thay da đổi thịt ấy là nhờ có Phong trào thi đua "Dân vận khéo”. Từ đó, xuất hiện nhiều cá nhân, mô hình tiêu biểu, khơi dậy nội lực, sức dân, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Thu gom rác tại khu dân cư Yên Hòa.

YBĐT - Năm 2014, Chi cục Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng 3 mô hình điểm về thu gom rác thải, trong đó có 2 mô hình tại thành phố Yên Bái và 1 mô hình tại thị xã Nghĩa Lộ. Từ hiệu quả đem lại, các mô hình này đã được nhân rộng, góp phần quan trọng để các địa phương sớm hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục