Mù Cang Chải là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sinh sống rải rác, dân tộc Mông chiếm trên 91%, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Những năm gần đây, tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, đặc biệt hoạt động xuất cảnh trái phép vẫn diễn ra, gây mất an ninh trật tự ở địa phương.
Năm 2017, Mù Cang Chải phát hiện 143 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc (tăng 36 trường hợp so với năm 2016). Nguyên nhân chủ yếu là đi với các mục đích làm thuê, tìm chồng, thăm người thân...; trong đó, có cả nguyên nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, các đối tượng xuất cảnh trái phép thường bị rủ rê, lôi kéo bởi các đối tượng từng có hoạt động xuất cảnh trái phép.
Sau đó, hò hẹn nhau, hoặc đi xe khách sang Than Uyên và tiếp tục đi xe khách lên Lào Cai. Điển hình như vụ án Giàng Thị Dở (29 tuổi, trú tại xã Cao Phạ) và Lù A Hồng (36 tuổi, trú tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải) về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Quá trình điều tra, Công an huyện Mù Cang Chải xác định: Tháng 5/2017, Giàng Thị Dở nhận được điện thoại của Lý Thị A và Lý Thị Vang đều là người Mông (trước đây, ở xã Cao Phạ và xã Mồ Dề nhưng đã sang Trung Quốc lấy chồng từ nhiều năm nay).
Sau những câu thăm hỏi, Dở kể với A và Vang về hoàn cảnh của gia đình, chồng Dở đi tù, ở nhà lại không có công ăn việc làm cuộc sống vô cùng khó khăn... Sau khi nghe Dở tâm sự, A và Vang rủ Dở sang Trung Quốc sinh sống, Vang sẽ tìm cho Dở một công việc đỡ vất vả hơn, lại có thu nhập cao. Sau đó khoảng một tháng, trong một phiên chợ vùng cao, Dở gặp Lù A Hồng, sau đó cả hai cùng vào một quán cơm ở gần đó để ăn uống.
Trong lúc trò chuyện, Dở đặt vấn đề với Hồng về việc đưa phụ nữ sang Trung Quốc lấy chồng... Hồng đồng ý với điều kiện phải nhận được tiền công. Sáng 28/6/2017, Mùa Thị S và Hờ Thị V (cùng trú tại bản Ngải Thầu, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải) đi lên nương đào sắn tình cờ đi qua nhà Dở.
Với ý định dụ dỗ đưa các nạn nhân đưa sang Trung Quốc, Dở kéo hai cô gái vào nhà trò chuyện.... Sau khi hai cô gái kể về hoàn cảnh của gia đình, Dở gợi ý rằng, nếu ở nhà nghèo khổ, thường xuyên bị đánh đập thì sang Trung Quốc lấy chồng sẽ có cuộc sống sung sướng hơn.
Về phần hai nạn nhân Mùa Thị S và Hờ Thị V, vì nhẹ dạ lại bị những lời nói có cánh của Dở đưa đẩy nên đã đồng ý. Tiếp đó, đối tượng liên lạc với Lý Thị Vang thông báo về việc đưa người sang Trung Quốc, thống nhất giá tiền là 9-10 triệu đồng tiền công.
Ngoài thủ đoạn trên, nhiều trường hợp đối tượng và nạn nhân có quan hệ anh em, họ hàng với nhau nên có sự bao che từ phía bị hại. Một số trường hợp có tâm lý xuất cảnh trái phép nên sau khi trở về địa phương không trình báo hoặc hợp tác với cơ quan công an.
Trên thực tế để có thể ngăn chặn hoạt động xuất cảnh trái phép hiện rất khó khăn, lý do cơ bản nhất đó là tâm lý của đối tượng muốn được xuất cảnh để tìm được cuộc sống sung túc hơn.
Đối tượng xuất cảnh trái phép ngoài các trường hợp là nữ giới mong muốn cuộc sống sung sướng hơn, còn có những thanh niên muốn ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đổi đời... Trên thực tế, hầu hết các trường hợp xuất cảnh về địa phương không có cuộc sống như mong đợi. Nhiều trường hợp đã bị bóc lột cả về thể xác và tinh thần, một số trở thành nạn nhân của các vụ mua bán người...
Để ngăn chặn tình trạng trên, Công an huyện Mù Cang Chải đã tăng cường công tác quản lý, nắm địa bàn. Cùng với việc đi sâu vào công tác phòng ngừa, lực lượng công an đã điều tra, làm rõ nhiều vụ án, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm.
Đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác vận động cá biệt, rà soát danh sách các diện có ý định, dễ bị lôi kéo xuất cảnh trái phép như: mâu thuẫn gia đình, lười lao động, các em học sinh mới tốt nghiệp chưa có việc làm, phụ nữ bỏ chồng..., qua đó có biện pháp vận động cụ thể.
Anh Dũng