Về “Thủ đô gió ngàn” thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/4/2018 | 1:47:54 PM

YBĐT - Giao mùa những ngày cuối tháng 3, khi nắng chẳng còn vẩn vương hơi lạnh của sương, chúng tôi đến với "Thủ đô gió ngàn” - Thái Nguyên, mảnh đất không chỉ giàu truyền thống cách mạng mà còn có nhiều danh thắng nổi tiếng. Cùng với Hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa, hang Phượng Hoàng - Suối Mỏ Gà, thác Khuôn Tát... thì Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng là một địa chỉ hấp dẫn không thể bỏ qua.

Văn hóa chợ vùng cao phía Bắc Việt Nam được tái hiện sinh động tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên.
Văn hóa chợ vùng cao phía Bắc Việt Nam được tái hiện sinh động tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên.


Tọa lạc ngay giữa thành phố Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là công trình quy mô lớn với kiến trúc đẹp. Qua cổng chính, chúng tôi bước vào gian long trọng của Bảo tàng - nơi tái hiện khái quát về những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc Việt Nam. Tại đây có bức tượng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tay ôm ba cháu bé đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam. Bức tượng có ý nghĩa lớn, thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của Bác Hồ đối với các cháu thiếu nhi ba miền, đồng thời thể hiện chính sách thống nhất, đa dạng và đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
 
Sau tượng Bác Hồ là bức phù điêu lớn được tạc bằng gỗ mô phỏng các lễ hội tiêu biểu truyền thống các tộc người từ Bắc vào Nam. 

Đón chúng tôi là chị Nguyễn Thị Bích Vi - thuyết minh viên của Bảo tàng. Giọng nói nhỏ nhẹ, truyền cảm, chị Vi đã giới thiệu khái quát cho chúng tôi toàn cảnh bức tranh văn hóa các dân tộc anh em ở Việt Nam trải dài từ cực bắc Hà Giang đến vùng đất mũi Cà Mau.
 
5 phòng trưng bày trong nhà đã đưa chúng tôi trải qua hành trình qua các miền văn hóa từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng, trung du đến miền núi, biển đảo. Đó là đời sống tinh thần phong phú và những nét văn hóa đặc trưng, những sinh hoạt đời thường mộc mạc đã có tự ngàn đời, được tích tụ, bồi đắp trong dòng chảy văn hóa theo thời gian và không gian của các tộc người nhóm ngôn ngữ Việt - Mường; Tày - Thái; Hmông - Dao, Ka Đai và Tạng Miến; Môn - Khơ Me và nhóm ngôn ngữ Nam Đảo, Hán.
 
Tại mỗi phòng trưng bày, chúng tôi được giới thiệu về văn hóa của các dân tộc, các vùng miền như: nghề thủ công truyền thống, các hình thức sinh hoạt văn hóa trong trang phục, âm nhạc, ẩm thực, lễ hội trong sản xuất lao động, kiến trúc nhà ở... qua phần thuyết minh cũng như hệ thống hình ảnh, hiện vật và mô hình phong phú, đa dạng, giúp chúng tôi hiểu sâu sắc về truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
 
Thật không khỏi ngỡ ngàng trước những hiện vật đẹp mắt, được tái hiện sống động như: cổng làng, mái đình, cây đa, trang phục các dân tộc, đồ nghề thủ công; các mô hình về lễ nghi, nghề truyền thống được dựng lại  đầy tâm huyết và trân trọng. Cùng với các phòng trưng bày trong nhà, điểm nhấn đặc biệt của Bảo tàng là hệ thống trưng bày ngoài trời với không gian 6 vùng văn hóa: Núi cao phía Bắc, Thung lũng, Trung du - Bắc bộ, Miền Trung - Ven biển, Trường Sơn - Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ đã mang lại những trải nghiệm hết sức thú vị cho khách tham quan.

Tại chuyến tham quan bảo tàng, chúng tôi gặp chị Natalie, một du khách đến từ đất nước Canada xinh đẹp. Bày tỏ sự thích thú khi tìm hiểu về văn hóa các vùng miền được tái hiện chân thực tại bảo tàng, chị Natalie nhận xét: "Tôi thấy thật tuyệt vời khi được đến với bảo tàng các dân tộc Việt Nam - nơi mà sự đa dạng về tộc người và những nét văn hóa truyền thống được tôn vinh và trưng bày một cách thật tự hào. Với cách trưng bày vô cùng sống động, tôi đã có một cách nhìn tương đối đầy đủ về quá trình phát triển của đất nước và con người Việt Nam”.
 
Chị Nguyễn Thị Bích Vi - người đã gắn bó hơn 10 năm với nghề thuyết minh viên ở bảo tàng cho biết: "Để mang đến cho du khách những hiểu biết đa chiều, đa dạng về văn hóa của các dân tộc, vùng miền, Bảo tàng ngày càng mở rộng hoạt động bằng các nội dung chuyên đề mới, gắn liền với văn hóa của từng đối tượng, lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, việc tăng cường các hoạt động trình diễn văn hóa phi vật thể đặc sắc của 54 dân tộc anh em đã tạo nên sự sinh động trong việc tái hiện những nét văn hóa riêng của người Việt Nam để thu hút du khách”.

Chia tay Bảo tàng với chút nuối tiếc bởi thời gian ngắn ngủi song điều cảm nhận rõ nét với chúng tôi chính là được học và khám phá thêm nhiều kiến thức bổ ích và thú vị về đặc trưng văn hóa của các dân tộc ở ba miền Bắc - Trung - Nam. Ngoài việc giúp du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ có thêm những kiến thức về văn hóa các dân tộc Việt Nam thì Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên còn góp phần quảng bá hình ảnh đẹp của đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Thanh Chi

Các tin khác
Cô và trò Trường THPT Lý Thường Kiệt tích cực ôn luyện.

YBĐT - Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 diễn ra vào cuối tháng 6 tới, thời điểm này, cũng như các trường THPT trên địa bàn tỉnh cùng với hoàn thành nhiệm vụ năm học, Trường THPT Lý Thường Kiệt (thành phố Yên Bái) đang khẩn trương tổ chức ôn tập cho học sinh khối lớp 12. 

Các em học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành tham quan gian trưng bày sách tại Ngày Sách Việt Nam lần thứ 4 năm 2017.

YBĐT - Nhằm tuyên truyền, phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND về việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5 năm 2018 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Ảnh minh hoa.

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường diễn ra chiều nay (12/4), ông Trần Hồng Thái-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn đã đưa ra nhận định chi tiết về xu thế thiên tai trong mùa mưa, bão, lũ năm 2018.

Ảnh minh họa - Internet.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, quy trình công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa”; "Thôn văn hóa”, "Làng văn hóa”, "Ấp văn hóa”, "Bản văn hóa”, "Tổ dân phố văn hóa”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục