Ngày Trái đất 2018 – Lời kêu gọi cắt giảm chất thải nhựa

  • Cập nhật: Chủ nhật, 22/4/2018 | 3:49:12 PM

YênBái - Hưởng ứng Ngày Trái Đất 2018, việc giảm lượng chất thải nhựa đang là vấn đề được quan tâm để bảo vệ môi trường sống của các loài động vật và sức khỏe con người.

Ngày Trái Đất 2018 xoay quanh vấn đề chất thải nhựa. (Ảnh: Aispantherexpress)
Ngày Trái Đất 2018 xoay quanh vấn đề chất thải nhựa. (Ảnh: Aispantherexpress)

NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT VỀ NGÀY TRÁI ĐẤT

Sự kiện Ngày Trái Đất bắt đầu ở Mỹ vào ngày 22/4/1970. Vào thời điểm đó, hàng triệu người đã phản đối sự phát triển công nghiệp gây tác động xấu đến môi trường trong hàng thập kỷ qua. Sự kiện này nhanh chóng được ủng hộ trên toàn thế giới. Tính đến nay đã có khoảng 1 tỷ người tham gia vào các chiến dịch bảo vệ môi trường.

Chủ đề của Ngày Trái Đất năm nay xoay quanh chất thải nhựa, vấn đề đang được quan tâm hàng đầu của các chuyên gia môi trường với mục đích khuyến khích mọi người cắt giảm lượng rác thải nhựa tiêu thụ hằng ngày. Vậy chất thải nhựa đến từ đâu? Lượng lớn rác thải nhựa xuất phát từ sinh hoạt, trong sản xuất và trong y tế. Với khối lượng thải ra môi trường ngày càng tăng, chất thải nhựa là nguyên nhân lớn nhất đe dọa đến môi trường sống của con người và động vật.

HIỆN TRẠNG RÁC THẢI NHỰA TRÊN THẾ GIỚI

Trong hơn 50 năm qua, lượng tiêu thụ và chất thải từ các đồ vật làm bằng nhựa không ngừng gia tăng. Theo trang plastic-pollution, có khoảng 299 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra môi trường năm 2013, tăng khoảng 4% so với năm 2012. Một nghiên cứu khác của Trung tâm phân tích và tổng hợp sinh thái quốc gia đã định lượng lượng rác thải nhựa từ đất liền đổ xuống biển. Kết quả là, mỗi năm, đại dương phải gánh chịu 8 triệu tấn nhựa. Con số này được dự tính sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025.

ngày trái đất 2

Người ta nói rằng ngoài đại dương có những núi rác thải nhựa. Nhưng không! Lượng rác ngoài đại dương bây giờ đã đủ để tạo thành một hòn đảo.

Giá thành rẻ cộng với sự tiện lợi, vật dụng được làm từ nhựa được mọi người ưa chuộng sử dụng. Song, chỉ có chưa đến 10% trong tổng số 300 triệu tấn nhựa mỗi năm có thể tái chế. Một trong những lý do khiến chất thải nhựa là kẻ thù của môi trường chính là thời gian phân hủy lên đến hàng trăm năm. Viện bảo vệ biển The Marine Conservancy đã ước tính thời gian phân hủy của từng loại chất thải nhựa như sau: Cốc nhựa xốp – 50 năm, cốc nhựa uống nước – 400 năm, tã dùng một lần – 450 năm, chai nhựa – 450 năm và dây câu cá là 600 năm.
 
Không cần làm những điều lớn lao, mỗi chúng ta chỉ cần thay đổi những thói quen rất nhỏ trong đời sống hàng ngày cũng có thể góp phần bảo vệ môi...

HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG TỪ CHẤT THẢI NHỰA

Kathleen Rogers, Chủ tịch cộng đồng Ngày Trái Đất chia sẻ: "Từ ngộ độc sinh vật biển đến ảnh hưởng chất lượng thức ăn của con người, rác thải nhựa là nguyên nhân gây nên các bệnh có thể gây nguy hiểm tính mạng. Lượng chất thải ngày càng cao đang đe dọa đến sự tồn tại của hành tinh này”. 

Chất thải nhựa gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cuộc sống của chúng ta. Trước tiên, nhựa là nguyên nhân làm hư hại chuỗi thức ăn trong tự nhiên. Đa dạng về kích thước, nhựa có thể gây hại đến cả những sinh vật nhỏ nhất. Sự "phân hủy” ở nhựa không có nghĩa là chúng hoàn toàn biến mất hay chuyển hóa thành một dạng vật chất khác. Chúng sẽ tách ra thành những hạt vi nhựa có kích thước nhỏ đến nanomet, lơ lửng trong nước biển và trở thành thức ăn của sinh vật phù du, các loại thủy hải sản nhỏ. Các hạt vi nhựa này không thể tiêu hóa nên chúng sẽ tích tụ trong cơ thể động vật. Và theo chuỗi thức ăn – cá lớn ăn cá bé, động vật lớn ăn động vật nhỏ – lượng vi nhựa chuyển từ cá thể này sang cá thể khác. Ở cuối chuỗi thức ăn, con người chính là sinh vật tiêu thụ tất cả lượng vi nhựa trên. Đó là lý do vì sao nói một chai nhựa bạn thải ra ngày hôm nay cuối cùng cũng sẽ trở lại bàn ăn của bạn.

ngày trái đất 1
Những gì bạn thải ra ngày hôm nay cuối cùng cũng sẽ trở lại bàn ăn của bạn.

Không chỉ vậy, chất thải nhựa gây ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí. Hằng năm, số lượng sinh vật biển chết vì ngộ độc nhựa không ngừng tăng cao. Bên cạnh đó, xử lý rác thải nhựa không đúng cách sẽ tác động xấu đến nguồn nước ngầm và bầu khí quyển, làm tăng hiệu ứng nhà kính và góp phần không nhỏ vào quá trình biến đổi khí hậu. Do đó, muốn bảo vệ sự trong lành của Trái Đất, mỗi cá nhân phải ý thức trách nhiệm với môi trường và cùng chung tay giảm lượng rác thải nhựa ra bên ngoài.

CÁC BIỆN PHÁP CẮT GIẢM RÁC THẢI NHỰA

Chúng ta cùng hít chung bầu không khí, cùng sống trên hành tinh xinh đẹp, do đó, mỗi người chúng ta đều phải có trách nhiệm với môi trường mình đang ở. Chẳng cần phải nghĩ đến những việc quá xa xôi, bạn có thể bắt đầu từ việc thay đổi những thói quen hằng ngày như hạn chế sử dụng bao nylon và từ chối nhận vật đựng bằng nhựa khi đi mua sắm. Thay vào đó, bạn có thể mang theo một chiếc túi để đựng những đồ cần mua và chuẩn bị một bình nước cá nhân để không phải sử dụng chai nhựa, ly nhựa dùng một lần.


ngày trái đất 1

Sử dụng bình nước cá nhân thay cho chai và ly nhựa dùng một lần… (Ảnh: unsplash)

ngày trái đất 2

…và túi vải thay cho túi nylon là hai cách đơn giản nhất bạn có thể bắt đầu làm ngay hôm nay. (Ảnh: unsplash)



Bên cạnh thay đổi thói quen hằng ngày, bạn nên thay thế nhựa bằng những chất liệu thân thiện với môi trường hơn. Ví dụ như ống hút giấy, ống hút tre, ống hút cỏ… sẽ dễ phân hủy hơn ống hút bằng nhựa. Ngoài ra, bạn hãy từ hạn chế đến không dùng các vật sử dụng một lần như chai nước, dụng cụ nhà bếp làm bằng nhựa và thay bằng vật có thể tái sử dụng nhiều lần.

ngày trái đất 3

Sử dụng ống hút tre, cỏ, inox… thay cho ống hút nhựa cũng là một cách góp phần giảm thiểu rác thải nhựa. Ống hút nhựa là loại rác thải được sử dụng vô tội vạ nhất và dễ gây ảnh hưởng đến các sinh vật biển nhất. 

Nếu chỉ có bạn thay đổi thôi thì vẫn chưa đủ, hãy khuyến khích những người xung quanh nói "không” với đồ nhựa. Ban đầu, mọi người có thể sẽ cảm thấy bất tiện nhưng theo thời gian, thói quen tốt này sẽ giúp cải thiện môi trường sống của chính chúng ta.

Bạn có biết, Việt Nam là quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn thứ 4 trên thế giới?! Ý thức được điều này, ngay tại Tòa soạn của Tạp chí ELLE Việt Nam, mọi người đã bắt đầu quá trình giảm sử dụng rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng bình nước cá nhân và túi vải. Thậm chí, còn có cả biện pháp chế tài cho những ai mang ly nhựa và túi nylon dùng một lần lên công ty. Nếu bạn tham dự hội thảo ELLE Women in Society ngày hôm qua, chắc hẳn bạn cũng nhận được một túi vải của tạp chí ELLE Việt Nam. Hy vọng bạn sẽ sử dụng túi vải này hợp lý và xem đó như một lời nhắc nhở về ý thức bảo vệ môi trường.

Không chỉ nhân dịp Ngày Trái Đất 2018, hãy cùng nhau hành đông mỗi ngày. Đừng để con cháu chúng ta sau này không còn môi trường trong lành để hít thở, không còn mặt đất để đi vì khắp nơi chỉ toàn rác thải nhựa!!!
 
(Theo internet)

Các tin khác
Toàn cảnh lễ khai mạc.

Vòng sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XII năm 2017 chính thức khai mạc ngày 21/4, tại Hà Nội.

Ba học sinh trường Wellspring giành một trong bốn giải thưởng cao nhất của FLL 2018 diễn ra tại Mỹ.

Đội tuyển học sinh tiểu học của Việt Nam đến từ Trường Phổ thông Song ngữ quốc tế Wellspring Hà Nội đã giành giải thưởng Innovative Poster Award - một trong bốn giải thưởng cao nhất của cuộc thi Khoa học Ứng dụng quốc tế First Lego League (FLL) 2018 tổ chức tại Houston (Mỹ).

YBĐT - Khoảng 15 giờ 45 phút ngày 21/4, người dân sống khu vực ở tổ 31a, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái bàng hoàng khi nghe thấy một tiếng nổ lớn tại số nhà 896, đường Điện Biên, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Việc thúc đẩy văn hóa đọc trong các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thắp sáng tình yêu sách đối với lứa tuổi học trò. Khi mỗi người chúng ta nhận thức được đầy đủ vai trò của sách cũng như biết cách tự tạo cho mình một kỹ năng, sở thích đọc hiệu quả thì chắc chắn rằng văn hóa đọc sẽ ngày càng được duy trì và phát triển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục