Tuy nhiên, bước vào giai đoạn hiện nay, yêu cầu đổi mới ngày càng bức thiết, ngành sẽ làm gì để tạo nên những chuyển biến mang tính quyết định, để giáo dục Yên Bái phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Luyện Hữu Chung - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT về vấn đề này.
P.V: Thưa ông, việc đổi mới GD-ĐT hiện nay có vai trò như thế nào trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?
Ông Luyện Hữu Chung: Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định tốc độ phát triển và sự phồn vinh của đất nước. Khi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cuộc cách mạng 4.0) sẽ tạo ra sự thay đổi vô cùng lớn trong đời sống, kinh tế - xã hội thì yêu cầu nguồn nhân lực ngày càng cao. Đây chính là thách thức của ngành giáo dục trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu mới của thời đại.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của GDĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Xác định rõ trách nhiệm của mình, những năm qua, ngành đã tích cực thực hiện việc đổi mới GD-ĐT, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển GD-ĐT. Ngành đã chủ động tham mưu với tỉnh ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thực hiện nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Đặc biệt là các chương trình hành động, các nghị quyết, các quyết định của tỉnh về công tác giáo dục thời gian qua, đã cho thấy quyết tâm của Yên Bái trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trước tình hình mới. Các chủ trương, chính sách được ban hành đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng GD-ĐT của tỉnh trong những năm gần đây, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
P.V: Việc đổi mới GD-ĐT được ngành thực hiện trong thời gian qua có khó khăn gì thưa ông?
Ông Luyện Hữu Chung: Ngành đã tập trung chỉ đạo các đơn vị GD-ĐT trong toàn tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ các nhiệm vụ trước mắt, nhiệm vụ lâu dài, nhiệm vụ từng năm học để thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, bước đầu đã đạt được kết quả đáng khích lệ, đảm bảo tốt hơn các điều kiện phục vụ học tập của con em nhân dân.
Mạng lưới trường, lớp đã được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, khắc phục dứt điểm tình trạng nhiều cơ sở trường học có quy mô quá nhỏ trên cùng một địa bàn, gây lãng phí về bộ máy biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất.
Đến nay, toàn tỉnh có 456 cơ sở giáo dục và dạy nghề; đối với giáo dục mầm non, phổ thông, toàn tỉnh có 435 trường, với 6.646 lớp. Cơ sở vật chất được đầu tư từng bước giải quyết, tháo gỡ những khó khăn ban đầu khi thực hiện sắp xếp.
Cùng với đó, tập trung đầu tư trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, từng bước hiện đại, phù hợp với xu hướng dạy học tiên tiến; tập trung chỉ đạo thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, thi cử...
Chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn đã có chuyển biến đáng kể; các chỉ số về phát triển giáo dục tiếp tục được nâng lên mức khá so với khu vực và mức độ trung bình so với quốc gia.
Giữ vững, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm, chỉ đạo nâng cao về số lượng, chất lượng.
Công tác phát triển giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng đạt chuẩn, hiện đại. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được quan tâm phát triển cả về số lượng, chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Công tác đánh giá, phân loại công chức, viên chức, gắn với bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Công tác quản lý giáo dục từng bước đổi mới; nề nếp, kỷ cương trong các trường học được giữ vững.
Triển khai kịp thời, công khai, minh bạch công tác tinh giản biên chế, nâng lương, chuyển xếp hạng chức danh nghề nghiệp, thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Một số dự án trọng điểm đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị góp phần tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, đáp ứng điều kiện phục vụ cho dạy và học.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới và phát triển, GD-ĐT Yên Bái trong giai đoạn vừa qua phải đối mặt với nhiều thách thức: nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp; chất lượng giáo dục và chất lượng phổ cập giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu tính bền vững; đời sống của một bộ phận cán bộ, giáo viên còn gặp khó khăn, nhất là ở vùng cao.
P.V: Đứng trước yêu cầu đổi mới ngày càng cấp thiết và đồng bộ, ngành GD-ĐT Yên Bái có những giải pháp gì thưa ông?
Ông Luyện Hữu Chung: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT sẽ tăng cường các giải pháp để triển khai Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Bộ, ngành, của tỉnh về công tác giáo dục. Tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện kỷ cương, lề lối làm việc, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao của các đơn vị, ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời những tiêu cực trong giáo dục.
Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; đảm bảo tỷ lệ huy động ra lớp ở các cấp học, có các giải pháp hiệu quả chống hiện tượng học sinh bỏ học ở vùng cao, vùng khó khăn. Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT; chú trọng phát triển giáo dục mũi nhọn và ưu tiên giáo dục vùng dân tộc thiểu số.
Giữ vững và tăng dần các chỉ số về huy động ở bậc học mầm non, tiểu học; đảm bảo đúng độ tuổi làm nền tảng giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh thông qua việc điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải.
Đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh, tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đầu tư có trọng điểm; ưu tiên các trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, các trường chất lượng cao, các trường trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Xây dựng chế độ, chính sách cho học viên học bổ túc THPT kết hợp với học nghề. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội; tăng cường hiệu quả hoạt động của hội khuyến học các cấp; khuyến khích hình thành các quỹ khuyến học, khuyến tài.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý, sử dụng đội ngũ; tập trung vào công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng đội ngũ về năng lực chuyên môn, kỹ năng xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục.
Có các giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, thu hút giáo viên giỏi; đảm bảo điều kiện về đội ngũ để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, minh bạch các chế độ, chính sách của Nhà nước, của tỉnh; phối hợp với các ngành, các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết dứt điểm việc nợ đọng chế độ chính sách của giáo viên và học sinh.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thanh Ba (Thực hiện)