Học sinh có năng khiếu nổi bật, đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế như sẽ được bổ sung chế độ học bổng, học vượt lớp, cử đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học có uy tín ở nước ngoài.
Hệ thống trường chuyên hiện nay tồn tại 3 hình thức là: Trường chuyên trực thuộc Sở Giáo dục- Đào tạo (GDĐT), trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học, khối chuyên thuộc các trường phổ thông, khối chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến năm học 2018, tất cả 63 tỉnh/ thành phố đều đã có trường chuyên. Hệ thống trường chuyên gồm: 76 trường chuyên (71 trường trực thuộc Sở GDĐT, 05 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học); 11 khối chuyên (09 khối chuyên thuộc trường THPT, 02 khối chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học).
Giai đoạn này có 08 trường chuyên được thành lập. Số HS chuyên năm học 2018 – 2019 là 72.998 HS, tăng 16.736 HS (chiếm khoảng 2,1% số HS THPT).
Theo Bộ GD&ĐT, chất lượng giáo dục tại các trường chuyên có chuyển biến rõ nét, thể hiện qua kết quả xếp loại 2 mặt giáo dục, kết quả thi đại học, kết quả thi Olympic khu vực, quốc tế, thi Intel ISEF trong các năm qua.
Tuy nhiên, hệ thống trường chuyên đã nảy sinh một số bất cập, việc xây dựng các trường chuyên có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế chưa được triển khai ở nhiều địa phương.
Một số trường chuyên chưa thực sự phát huy được vai trò đi đầu trong việc đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà trường; chưa chứng tỏ được vai trò hình mẫu của các trường trung học phổ thông về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không phủ nhận những đóng góp của hệ thống trường chuyên cho mục tiêu bồi dưỡng nhân tài, tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới sẽ điều chỉnh định hướng phát triển trường chuyên để thực sự đây là nơi ươm mầm nhân tài.
Phát triển trường chuyên thành hệ thống giáo dục chất lượng cao
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, mục tiêu trong thời gian tới, xây dựng và phát triển các trường chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia.
Trong đó, đưa các trường chuyên thực sự đi đầu trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và các chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông. Xây dựng các trường chuyên thành hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục ở mỗi địa phương.
Bộ GD&ĐT đã đưa ra một loạt kế hoạch thực hiện để nâng cao chất lượng trường chuyên. Cụ thể, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường chuyên giai đoạn 2018-2020 và các năm tiếp, trong đó ưu tiên mở rộng diện tích mặt bằng tối thiểu đạt 15 m2/HS; đầu tư xây dựng các trường chuyên đảm bảo đạt chuẩn chất lượng mức độ cao nhất, có chất lượng giáo dục ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực, quốc tế.
Đặc biệt, tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (CBQL, GV) và nhân viên để có kế hoạch tuyển dụng. Chú trọng xây dựng đội ngũ GV đầu đàn, cốt cán về hoạt động chuyên môn trong hệ thống trường chuyên và các trường THPT khác; đồng thời, đổi mới và tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tin học và ngoại ngữ cho CBQL, GV trường chuyên.
Với phương thức tuyển sinh, thi HS giỏi, Bộ GD&ĐT sẽ bổ sung, hoàn thiện quy định về sàng lọc HS các trường chuyên để hàng năm, từng học kỳ có thể tuyển chọn bổ sung những HS có năng khiếu thực sự và chuyển những HS không đủ điều kiện học trong các trường chuyên ra các trường THPT khác.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù đối với nhà trường, CBQL, GV và HS các trường chuyên như bổ sung các chính sách ưu tiên đối với GV trực tiếp giảng dạy các môn chuyên, GV có HS đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế và tỷ lệ đỗ đại học cao; chính sách thu hút GV chất lượng cao tham gia giảng dạy trong các trường chuyên, đặc biệt là GV nước ngoài tham gia dạy ngoại ngữ.
Bổ sung, hoàn thiện các chính sách phù hợp đối với HS có năng khiếu nổi bật, đạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế như: chế độ học bổng, học vượt lớp, cử đi đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học có uy tín ở nước ngoài.
Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hợp tác quốc tế giữa các trường chuyên với các cơ sở giáo dục nước ngoài.
Khuyến khích, tạo điều kiện để các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đầu tư phát triển trường chuyên.
(Theo Dân Trí)