Tăng lương cơ sở, một việc tưởng như đơn giản, "đến hẹn lại lên" nhưng đang thực sự là một gánh nặng đối với ngân sách quốc gia. Bởi lẽ, để bố trí được nguồn kinh phí cho việc tăng lương đòi hỏi các nhà quản lý phải "cân não” phân chia "miếng bánh ngân sách hạn hẹp" cho một lực lượng hưởng lương hùng hậu.
Nếu như bộ máy ấy tạo ra một lượng của cải tương ứng để tự nuôi mình thì có lẽ chẳng có gì phải bàn, thế nhưng thực tế hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính còn yếu, gây phiền hà sách nhiễu, thậm chí ở nhiều nơi, nhiều lúc còn kéo lùi sự phát triển của người dân, doanh nghiệp.
Theo thống kê, trong những năm gần đây, quy mô thu ngân sách giảm dần, nhưng chi ngân sách lại luôn ở mức cao và năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng quý 1/2019, tổng chi đạt 315.600 tỷ đồng, bằng 19,3% dự toán, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 46.700 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng chi; chi trả nợ lãi đạt 30.760 tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng chi; chi thường xuyên đạt gần 237.200 tỷ đồng, chiếm 75,1% tổng chi.
Điều đáng nói là trong cơ cấu tổng chi, chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, trong khi chi thường xuyên vẫn ở mức cao, trong đó nhiều nhất là chi lương. Chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước đã liên tục cao (khoảng 70%) kể từ năm 2008.
Đặc biệt, trong cơ cấu chi tiêu, chi cho quản lý hành chính liên tục tăng cho thấy Việt Nam chưa đạt được kết quả tốt trong cải cách bộ máy hành chính để giảm chi tiêu công. Với một bộ máy quản lý hành chính cồng kềnh, đã từ lâu các chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo không có ngân sách nào có thể chịu đựng nổi.
Thế nhưng, sau nhiều năm thực hiện công cuộc tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ đã phải thừa nhận chúng ta đã thất bại, bởi càng tinh giản bộ máy hành chính hưởng lương ngân sách lại càng phình to. Chúng ta tập trung xây dựng đề án vị trí việc làm nhưng "càng xây càng thiếu”.
Có một thực tế là cơ quan, đơn vị nào cũng trong tình trạng dư thừa nhân sự nhưng lúc nào cũng kêu thiếu người làm. Bởi tình trạng cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, đến cơ quan thì ngồi uống trà, tán gẫu... không phải là hiếm.
Cải cách tiền lương, tinh giản biên chế để có thể trả lương thực sự xứng đáng cho những người làm được việc, làm việc hiệu quả là yêu cầu bức thiết. Có quá nhiều bất hợp lý trong hệ thống thang bảng lương, sắp xếp vị trí việc làm, nhưng gỡ ra để làm nhưng thế nào và mọi người có sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi để làm lại hệ thống thang bảng lương ấy cho thật hợp lý, công bằng?
Còn nếu kéo dài tình trạng này, e rằng các cơ quan Nhà nước sẽ chỉ giữ lại được những người "nhàng nhàng bậc trung” hoặc không ít kẻ năng lực yếu kém chỉ ăn bám vào hệ thống, gây phiền hà, khó dễ cho người dân, doanh nghiệp. Với một bộ máy như vậy thì không ai dám nghĩ tới việc cải cách, đột phá trong các công cuộc cải cách, đổi mới, thúc đẩy sự phát triển thể chế, kinh tế - xã hội.
(Theo VOV)