Xuất phát từ thực tiễn, "chúng ta” đang lười hát Quốc ca, nhiều lần tôi muốn tìm câu trả lời thỏa đáng, nhưng thật khó lý giải! Nhiều người được hỏi đã trả lời thấy ngại khi hát to, dõng dạc lời bài hát Quốc ca chỗ đông người, trong lễ chào cờ, ở nơi công cộng hay công sở, chỗ thân quen, điểm mới đến… Đương nhiên, họ đều là người yêu nước nhưng tại hầu hết các nghi thức chào cờ ở các buổi lễ dù to hay nhỏ hiện nay, đại đa số các cơ quan, đơn vị vẫn phải dùng băng đĩa thu sẵn?
Tôi đã từng chứng kiến hàng nghìn thanh thiếu niên mặc áo cờ đỏ sao vàng đồng thanh hát vang bài Quốc ca tại lễ phát động Phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở một tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức, tạo nên một không khí vô cùng trang nghiêm, long trọng, đầy khí thế hào hùng… Nhưng cái không khí ấy nhanh chóng kết thúc sau buổi lễ.
Vì chỉ ngay sau đấy thôi, khi về nhà, về trường lớp, về cơ quan đoàn thể, vẫn những con người ấy, đứng giữa một tập thể khác, có vẻ giọng hát trực tiếp của họ đã bị đi vào lạc lõng, chìm dần, chìm dần rồi mất luôn. Có bạn trẻ khi được hỏi: "Tại sao chào cờ em không hát to lên mà chỉ mấp máy môi?” thì nhận được câu trả lời: "Em không thấy ai hát cùng cả!”
Đây thực sự là một vấn đề. Khi một hành động đẹp đặt trong một tình huống cụ thể, tréo ngoe bỗng chốc trở thành vô nghĩa, chẳng làm nữa. Tôi cũng đã từng được tham dự hàng nghìn buổi lễ chào cờ và hầu như đều có chung một "kịch bản”: "khẩu lệnh” hô to dõng dạc, người đứng nghiêm, mắt hướng Quốc kỳ, nhạc bật lên…
Nhưng có lẽ tất cả đều đang thực hiện đúng nghi lễ như một thói quen, một điều bắt buộc chứ ít người nhận thức được ý nghĩa thực sự sâu sắc của Lễ chào cờ! Theo tôi, hát Quốc ca là sự thể hiện tình yêu Tổ quốc cao nhất, là sự hòa mình vào lịch sử, vào truyền thống của dân tộc. Đáng ra, chúng ta phải tự hào khi được tự mình hát Quốc ca, được tự mình thể hiện tình yêu quê hương, đất nước!
Giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống bằng âm nhạc, bằng ca từ của một bài hát sẽ dễ "ngấm” hơn rất nhiều so với đọc thuộc lòng sách lịch sử. Nên chăng, ngành giáo dục hãy đưa Quốc ca trở thành môn học đạo đức trong các nhà trường, từ bậc mầm non tới đại học để giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ từ hôm nay.
Thực tế, tại sao những "Khá Bảnh”, những "Bà Tưng”, những "Lệ Rơi” lại có thể len sâu vào ý thức, suy nghĩ, thậm chí hành động của giới trẻ đến vậy? Do ý thức của giới trẻ còn hạn chế, hay là tại chúng ta đang thờ ơ? Và tại sao chúng ta - những người mang một phần trách nhiệm "giáo dục truyền thống”, "đi trước, đi tắt, đón đầu” lại bị thụt lùi với sự phát triển của mạng xã hội, để nó tác động vào giới trẻ một cách "khó thể kiềm chế”? Trong "thời đại 4.0” này, có khó quá không nếu chúng ta ý thức hơn việc giáo dục công dân về ý thức, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước thông qua việc hát Quốc ca.
Quốc ca - đấy là bài hát mang tầm cỡ quốc tế chứ không riêng của người Việt Nam. Có lẽ chỉ sau Quốc kỳ, thế giới biết đến Việt Nam là Quốc ca, rồi mới đến Quốc hoa, Quốc ngữ. Nhân loại với hàng tỷ con người, hàng trăm quốc gia, hàng nghìn vùng lãnh thổ đón nhau, chào nhau bằng Quốc ca, vinh danh nhau bằng Quốc ca, tự hào cũng từ Quốc ca. Vậy tại sao nhiều công dân Việt Nam lại phải "ngại” khi hát Quốc ca trực tiếp bằng lời?
Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy "hòa cùng nhịp đập yêu nước” ngay từ việc cùng hát Quốc ca, rồi mới nghĩ đến việc "hội nhập quốc tế” để Quốc ca ngày càng trở nên gần gũi với mọi công dân Việt Nam. Với riêng tôi, chào cờ tôi vẫn hát to bài hát Quốc ca. Với bạn, tại sao không?
Thiên Cầm