Thực trạng tình trạng TNLĐ
Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong 3 năm gần đây cho thấy: năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 27 vụ TNLĐ, làm chết 6 người, bị thương 23 người; năm 2017 xảy ra 30 vụ, làm chết 12 người, bị thương 18 người; năm 2018, xảy ra 24 vụ, làm 4 người chết, bị thương 21 người và 4 tháng năm 2019, xảy ra 5 vụ làm chết 1 người và bị thương 4 người.
Số liệu trên có lẽ chỉ là "bề nổi”, bởi trên thực tế, số vụ TNLĐ có thể còn cao hơn do nhiều doanh nghiệp khi xảy ra TNLĐ bưng bít thông tin, thỏa thuận đền bù với gia đình người bị tai nạn hoặc điều chỉnh sai lệch hiện trường tai nạn nhằm lẩn tránh những sai sót trong công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
TNLĐ không chỉ để lại đau thương đối với những gia đình có người thân bị mất hay tàn phế, các vụ TNLĐ còn tác động sâu sắc đến xã hội vì người mất do TNLĐ thường là lao động chính, trụ cột trong gia đình. Trong rất nhiều vụ việc TNLĐ thương tâm gần đây phải kể đến vụ việc xảy ra ngày 13/3/2018 tại Xí nghiệp Sông Đà 10.7 thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 10.
Trong khi triển khai thi công công trình Thủy điện Trạm Tấu, thuộc địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, hôm đó, 4 công nhân nhận nhiệm vụ đưa vật liệu xuống hầm để hàn cốt pha từ 17 giờ đến 22 giờ.
Đến gần 22 giờ, ông Triệu Xuân Thanh người cùng nhóm ở dưới hầm lên để cùng ông Trần Trọng Đượng tiếp tục chuyển vật liệu xuống hầm thì phát hiện ông Đượng nằm bất tỉnh trước cửa chân đập. Ông Đượng được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong…
Cũng trong năm 2018, vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 7/7/2018 đối với ông Hoàng Văn Táo - giáo viên Trường Tiểu học xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên được nhà trường cử xuống thành phố Yên Bái để tham gia lớp tập huấn.
Kết thúc chương trình tập huấn, ông Táo đi xe máy từ thành phố Yên Bái về đến km 11 + 637, tỉnh lộ 171 thuộc thôn Trung Tâm xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên thì xảy ra tai nạn giao thông với xe ô tô rơ mooc biển kiểm soát 22R-00394 do ông Trần Văn Điệp, trú tại xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang điều kiển. Vụ tai nạn khiến ông Táo tử vong tại chỗ. Vụ việc được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Đánh giá về những vụ TNLĐ trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Lâm Ngọc - Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH tỉnh, người đã trực tiếp điều tra nhiều vụ TNLĐ trên địa bàn tỉnh cho biết, nguyên nhân chính là người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ) vi phạm các quy định về ATVSLĐ. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp coi thường việc tổ chức tập huấn ATVSLĐ cho NLĐ; không kiểm tra định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy móc và yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt về máy móc theo định kỳ; không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ.
Có nơi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ; không trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động; thiếu kiểm tra, giám sát và quản lý lỏng lẻo các quy trình vận hành của máy móc...
"Về phía NLĐ, thiếu tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; không sử dụng thiết bị an toàn lao động (ATLĐ)... Tình trạng vi phạm này thuộc cả 2 bên nhưng chủ yếu là nhóm lao động tự do, hợp đồng theo mùa vụ và chiếm số đông xảy ra ở các công trình xây dựng” - ông Ngọc nói.
Để đảm bảo ATVSLĐ, giảm số vụ TNLĐ, hàng năm, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác ATVSLĐ, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương xây dựng triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về ATVSLĐ, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và NLĐ.
Đây được xem là khâu then chốt và được triển khai sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng năm, tỉnh còn tổ chức 50 lớp huấn luyện ATVSLĐ cho gần 3.000 lượt người của các doanh nghiệp tham gia; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác ATVSLĐ tại các cơ quan, doanh nghiệp…
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra thời gian gần đây cho thấy: nhiều doanh nghiệp có thực hiện nhưng vẫn mang tính chất đối phó, nhiều doanh nghiệp khi có thông báo thanh tra mới hoàn thiện hồ sơ và mua một số dụng cụ bảo hộ lao động như: găng tay, quần áo, mũ bảo hiểm, khẩu trang...
Nhiều doanh nghiệp còn vi phạm trong việc thực hiện pháp luật lao động như: công tác tuyển dụng và đào tạo lao động; thực hiện hợp đồng lao động; đối thoại tại nơi làm việc, thỏa ước lao động tập thể; thời gian nghỉ ngơi; tiền lương và trả công lao động; chế độ bảo biểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện; chăm sóc sức khỏe NLĐ… theo kiểu "mạnh ai nấy làm”.
Trước thực tế trên, đoàn thanh tra đã tiến hành lập biên bản và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh giải pháp thực hiện ATVSLĐ, xử phạt nghiêm đối với doanh nghiệp vi phạm "3 không”
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.956 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 35.447 NLĐ tham gia, trong đó, một số địa phương tập trung đông số doanh nghiệp hoạt động như: thành phố Yên Bái, 882 doanh nghiệp; huyện Yên Bình, 255 doanh nghiệp; Văn Chấn 217 doanh nghiệp; Văn Yên 167 doanh nghiệp…
Kết quả kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp thời gian gần đây cho thấy: gần 90% đơn vị thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; trên 75% doanh nghiêp đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho NLĐ và 60% doanh nghiệp hàng năm có tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ và trên 50% doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ…
Tuy nhiên, như ông Nguyễn Hữu Hiền - Trưởng Ban quản lý Các khu công nghiệp của tỉnh cho biết, với 3 khu công nghiệp đang quản lý gồm: Khu Công nghiệp phía Nam, Khu Công nghiệp Âu Lâu và Khu Công nghiệp Minh Quân, đến nay, các khu công nghiệp đã thu hút 42 dự án, trong đó 27 dự án đang đi vào hoạt động với 3.800 NLĐ.
Để đảm bảo ATVSLĐ, hàng năm, Ban Quản lý đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và NLĐ, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ.
Do đó, 100% đơn vị hoạt động tại khu công nghiệp đều chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy; 85% NLĐ được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chiếm trên 95% được sử dụng thiết bị ATLĐ khi làm việc…
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đơn vị vi phạm tiêu chí "3 không” gồm: "Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện hoặc không huấn luyện đầy đủ cho NLĐ; không có thiết bị đảm bảo ATLĐ” - ông Hiền trao đổi.
Cùng với giải pháp lãnh đạo Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh nêu, để giảm số vụ TNLĐ trong sản xuất, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các doanh nghiệp cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương "Về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Trong đó, chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện kiến thức về ATVSLĐ cho NLĐ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan, doanh nghiệp, nhất là các cơ sở có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm, nhằm trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động; khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, chú trọng xây dựng quy trình ATLĐ nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn lao động đáng tiếc có thể xảy ra.
Cụ thể là việc thực hiện tốt "Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ” năm 2019 với Chủ đề "Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”. Đây là thông điệp để các đơn vị sử dụng lao động chấp hành và tuân thủ nghiêm ngặt hơn nữa các quy định về Luật ATVSLĐ nhằm hạn chế các vụ TNLĐ đáng tiếc có thể xảy ra.
Phong Sơn