Theo thông tin từ Ban Tổ chức, có trên 1.600 đại biểu quốc tế, từ 570 đoàn thuộc hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, bao gồm nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, bộ trưởng, đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhân sĩ, trí thức…
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và khoảng 20.000 đại biểu, phật tử trong nước, đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, phật tử Việt kiều tiêu biểu, lãnh đạo các tôn giáo bạn dự Đại lễ.
Đại lễ Vesak 2019 diễn ra từ ngày 12 đến 14-5, với chủ đề: "Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Bên cạnh đó, Đại lễ Vesak 2019 còn có 5 diễn đàn xoay quanh chủ đề: Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững, cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, về giáo dục, về tiêu thụ có trách nhiệm và Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong khuôn khổ của Đại lễ, bên cạnh các hội thảo, diễn đàn, còn có lễ tắm Phật truyền thống; thuyết pháp ý nghĩa Phật đản; triển lãm văn hóa Phật giáo; hội chợ văn hóa phẩm Phật giáo; khai đăng hoa sen…
Công ty Du lịch Vietravel, đơn vị được Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủy thác đảm nhận công tác hậu cần Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019 cho hay, ngày 11-5, đơn vị đã đón hơn 1.200 đại biểu quốc tế tham dự Đại lễ. Đây là ngày đón tiếp nhiều đại biểu tham dự Đại lễ nhất.
Tại sân bay Nội Bài, các đại biểu được Tiểu ban Lễ tân cùng đông đảo hướng dẫn viên, tình nguyện viên nhanh chóng hỗ trợ hoàn tất các thủ tục hải quan, hướng dẫn và đưa về nơi lưu trú.
Trong thời gian diễn ra Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2019, nhằm góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, Ban Tổ chức mở 3 tour miễn phí cho các đại biểu quốc tế gồm: Tràng An - Bái Đính, Yên Tử - Hạ Long, Fansipan - Sapa.
* Đại lễ Phật đản hướng đến những giá trị tốt lành của Đức Phật
Hơn 500 tham luận tại Vesak 2019 sẽ cùng làm rõ chủ đề về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.
Phó tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu, Thủ tướng Nepal K.P Sharma Oli, Hòa thượng Chủ tịch Vesak Liên Hợp Quốc 2019 Prof. Most. Ven. Pha Brahmapundit... đã đến Việt Nam dự đại lễ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu tại lễ khai mạc.
Ban tổ chức cho biết đã nhận được hơn 500 bài tham luận của học giả quốc tế và Việt Nam, cùng làm rõ chủ đề của Vesak 2019 - Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.
Nhiều diễn đàn về chủ đề này cũng sẽ được tổ chức như: Lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục, gia đình hòa hợp; Phật giáo và cách mạng công nghiệp 4.0; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm.
Đại lễ Vesak 2019 còn có các hoạt động văn hóa như: tắm Phật truyền thống; cầu nguyện quốc thái dân an; hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; triển lãm cổ vật phật giáo; diễu hành xe hoa; ra mắt mạng xã hội Phật giáo Butta.vn...
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó tổng thư ký Vesak 2019, sự kiện năm nay được tổ chức quy mô hơn những năm trước với nhiều quốc gia tham dự nhất, nhiều tham luận nhất.
Lãnh đạo giáo hội Phật giáo Việt Nam kỳ vọng Vesak 2019 sẽ "tạo hiệu ứng rộng lớn về niềm tin vào các giá trị tốt đẹp của Phật giáo, mang lại cho đời sống xã hội các giá trị hòa bình, an lạc và hữu nghị". Sự kiện còn thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế và "thể hiện sự gánh vác, vai trò của Việt Nam với việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc".
Theo quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni vào 15/4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên. Phật giáo Nam Tông và Tây Tạng còn gọi đó là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật). Mỗi nước tổ chức kỷ niệm ngày Tam Hiệp (Vesak) vào thời gian khác nhau tuỳ theo quan niệm.
Một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... tổ chức lễ Phật đản vào 8/4 âm lịch. Các nước theo Phật giáo Nam Tông tổ chức vào 15/4 âm lịch hoặc 15/5 dương lịch. Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước theo Phật giáo nguyên thủy, lễ Phật đản diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha theo lịch Phật giáo và lịch Hindu (tháng 4 hoặc tháng 5).
Năm 1950, đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Colombo, Sri Lanka, các phái đoàn đến từ 26 quốc gia là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là 15/4 âm lịch.
Tại Việt Nam, lễ Phật đản hàng năm được Giáo hội Phật giáo tổ chức. Vào ngày Phật đản, các phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa, trang trí bàn thờ Phật. Phật tử có thể đến chùa làm công quả hoặc nghe thuyết giảng để được thanh tịnh.
Ngày 15/12/1999, tại hội nghị lần thứ 54, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức công nhận và thừa nhận lễ kỷ niệm ngày Vesak vào 15/4 âm lịch. Nghị quyết hội nghị viết, ngày trăng tròn tháng tư (15/4) là ngày thiêng liêng nhất của phật tử bởi "Lời dạy của Đức Phật và thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của ngài đã chuyển hóa hàng triệu người".
Năm 2000, lần đầu tiên Đại lễ Vesak được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Mỹ) với các đoàn Phật giáo từ 34 nước tham dự. Bốn năm sau, các đại biểu dự Vesak tại Thái Lan ra tuyên bố chung đầu tiên, nhấn mạnh "ngày rằm tháng năm mỗi năm là ngày thiêng liêng nhất của phật tử trên khắp thế giới, vì ngày đó họ kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập diệt của Đức Phật". Tuyên ngôn cũng kêu gọi phật tử noi theo đức hạnh từ bi, trí tuệ, thanh khiết của Đức Phật để sống hài hòa.
Các đại biểu cũng cam kết "sẽ nỗ lực chuyển tải những thông điệp cao quý của Đức Phật đến tận con tim và khối óc của mọi người trên toàn thế giới thông qua sự tu tập và hành trì Giáo lý để đảm bảo công cuộc truyền bá Phật giáo". Đồng thời, phật tử sẽ nỗ lực thúc đẩy hòa bình, hòa hợp giữa các dân tộc.
Năm 2008, lần đầu Việt Nam đăng cai Vesak và ra tuyên ngôn Hà Nội, kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực đảm bảo hòa bình thế giới, cải thiện chất lượng sống cho tất cả mọi người. Các đại biểu nhất trí giải quyết 16 vấn đề lớn, trong đó nhấn mạnh phòng chống xung đột và chiến tranh; giải trừ vũ khí hạt nhân, sinh học; ngăn ngừa ô nhiễm đại dương và các vùng biển.
Năm 2014, lần thứ hai Việt Nam đăng cai Vesak với 95 quốc gia tham dự, ra tuyên ngôn kêu gọi cộng đồng hướng đến mục tiêu phát triển thiên niên kỷ dựa trên ba trụ cột: bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, công bằng xã hội. Nguyên tắc phát triển bền vững được đưa ra là bình đẳng, công bằng, bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy giáo dục.
Đặc biệt, tuyên ngôn còn cam kết thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tài phán của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thông qua các cuộc đàm phán và biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
(Theo HNMO - VnExpress)