Vì giáo dục lúc đó đồng hành với giai đoạn cách mạng cam go của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt; rồi những năm đầu của thời kỳ đổi mới kinh tế - xã hội (1986) khi hàng mảng trường lớp tan vỡ; rồi tiếp đến là thời kỳ mở cửa với những tác động bởi mặt trái của kinh tế thị trường…
Nhưng bất luận trong mọi hoàn cảnh khó khăn tưởng như tột cùng bế tắc, các nhà giáo tiên phong, thuộc lớp đàn anh lên năm 1959 luôn là điểm tựa tinh thần; tấm gương lao động tận tụy, tâm huyết với nghề "trồng người” cho lớp chúng tôi ngày ấy và mãi cho các thế hệ sau này học tập, rèn luyện, phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ nhà giáo Việt Nam chân chính.
Thoáng ngày ra đi còn đương độ thanh xuân, giờ lớp các nhà giáo tiền bối lên Tây Bắc, lên Nghĩa Lộ năm 1959 đã tám, chín mươi tuổi. Nhiều người đã về với đất mẹ, người còn tuổi cao sức yếu, chân chậm mắt mờ… trong đó nhiều người bệnh trọng, hoàn cảnh éo le, đời sống vật chất, tinh thần khó khăn, thiếu thốn.
Dẫu vậy, mỗi khi gặp lại đồng nghiệp, lại nhớ về núi rừng gắn với cái tên: Song Pe, Pắc Ngà; rồi Chế Tạo, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn (Mù Cang Chải); Sùng Đô, Suối Giàng (Văn Chấn)… với những kỷ niệm không quên là những đêm xòe quanh ngọn lửa bập bùng, lớp học sơ tán tranh tre nứa lá đơn sơ bên cánh rừng già có con suối hát quanh năm; nhất là mỗi khi xuân về, hoa ban nở trắng đại ngàn, ánh mắt ngây thơ, trong sáng của đàn em thơ ngóng chờ các thầy, cô giáo miền xuôi lên với bản làng…
Để rồi, các nhà giáo không phụ lòng tin, đều đã gắng sức vượt lên thử thách, gian lao, kể cả hy sinh tính mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gieo ánh sáng văn hóa của Đảng, xua tan đêm trường tăm tối cho cộng đồng miền sơn cước, chịu nhiều thương đau, thiệt thòi từ bao đời nay, góp phần mình trong sự nghiệp chung "trồng người”, "đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau”.
Phải chăng đó là sứ mệnh lịch sử Tổ quốc giao phó, đặt trên đôi vai nhà giáo trách nhiệm nặng nề nhưng đầy vinh quang và tự hào, vì đối với mỗi nhà giáo từ thế hệ năm 1959 đến nhiều thế hệ sau này, mặc dầu trên ngực không mang những tấm huân chương lấp lánh nhưng ẩn chứa trong con tim là những ánh mắt trìu mến, tin yêu, cảm phục, nhớ thương của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, đồng bào Yên Bái.
Những nhà giáo ấy đã không quản gian nguy, khó khăn, vất vả và cả nhận phần thiệt thòi về mình để thực hiện đúng lời căn dặn của Bác: "Đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn”! Họ xứng đáng danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân” cao quý mà dân đã dành cho.
Kỷ niệm 60 năm thế hệ mang ánh sáng của Đảng lên miền núi, xin tâm nguyện giữ gìn, phát huy phẩm chất cao quý của các nhà giáo Việt Nam; góp phần thực hiện Di chúc quý báu, thiêng liêng của Bác kính yêu để lại cho dân tộc ta mãi muôn đời sau. Xin gửi những lời tri ân sâu sắc tới các nhà giáo đã tình nguyện lên Tây Bắc, lên Nghĩa Lộ vào năm 1959. Dù đã khuất hay còn sống, trong mỗi người vẫn một niềm hân hoan, tự hào một thời trai trẻ hào hùng.
Lê Tuấn Kiệt (Cựu giáo chức Nghĩa Lộ)