Một giờ học của thầy và trò lớp 9E, Trường THCS Lê Hồng Phong, thành phố Yên Bái thật cuốn hút, không khí học tập sôi nổi. Để giúp học sinh hứng thú với tiết học, hiểu bài nhanh hơn, thầy giáo vừa kết hợp dạy bằng phương pháp truyền thống với phấn trắng bảng đen vừa dạy bằng trình chiếu trên tivi màn hình Led treo trên tường.
Cùng với đó, các em học sinh được trực tiếp tương tác với bài giảng trên hệ thống thiết bị ngay trong lớp học. Học sinh hào hứng với bài học, tập trung hơn để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đặt ra từ đầu tiết học.
Em Trịnh Phương Mai - lớp 9E chia sẻ: "Các thầy cô thường xuyên sử dụng bảng thông minh để truyền đạt bài giảng cho chúng em. Em thấy học theo phương pháp này thích hơn cách truyền thống, có hình ảnh trực quan và sinh động. Chẳng hạn ở môn Sinh học, khi biểu thị quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể người, mô hình minh họa trên máy chiếu kết hợp với hiệu ứng âm thanh sẽ giúp chúng em dễ hình dung hơn so với việc chỉ mô tả bằng ngôn ngữ nói. Được làm bài tập trên đó chúng em có nhiều thời gian để thảo luận nhóm hơn và sau đó mình có thể được thầy cô hướng dẫn cách tương tác trực tiếp với bảng. Trong lớp em hầu hết các bạn đều đã biết cách tương tác với bảng thông minh”.
Trong những năm qua, Trường THCS Lê Hồng Phong đã tích cực ứng dụng CNTT vào quản lý và giảng dạy. Ngay từ đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT vào giảng dạy và đưa vào tiêu chí thi đua của cán bộ, giáo viên, đồng thời tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng phòng học thông minh. Ứng dụng CNTT vào dạy học đã giúp giáo viên nâng cao tính sáng tạo và linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy. Giáo án điện tử và CNTT đã góp phần "làm mới” tiết học, tạo hứng thú, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt.
Cô giáo Hoàng Thị Hạnh - Tổ trưởng Tổ chuyên môn Văn Sử chia sẻ: "Giáo viên thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử hiện đại, ứng dụng CNTT trong mỗi tiết học. Ngay như môn Văn của mình, trong các phần giảng cho các em quan sát các tư liệu tác giả, tác phẩm, hình ảnh, hay những trích đoạn phim dựa theo tác phẩm... Qua đó, các em rất hào hứng tìm hiểu thêm, sâu hơn, kể cả những thông tin bên lề tác phẩm, ngoài yêu cầu bài giảng. Tôi thấy rất hiệu quả”.
Thành phố Yên Bái một trong những địa phương được đầu tư khá đầy đủ các thiết bị công nghệ vào giảng dạy, phòng học thông minh. Hiện nay 100% các trường học trên địa bàn được kết nối mạng phục vụ giảng dạy, khoảng 80% tổng số lớp tại các trường phổ thông được trang bị phòng học thông minh.
Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó trưởng Phòng GD-ĐT thành phố chia sẻ: "Các nhà trường hiện nay đã khai thác hiệu quả các thiết bị công nghệ, phòng học thông minh để nâng cao chất lượng giáo dục. 100% giáo viên tiểu học và THCS trên địa bàn sử dụng thành thạo phòng học thông minh, khai thác tối đa nguồn dữ liệu. Năm 2020, thành phố phấn đấu 100% phòng học được đầu tư thiết bị phòng học thông minh”.
Xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp tới, Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái đã có chỉ đạo mạnh mẽ các cơ sở giáo dục tích cực ứng dụng các tiện ích công nghệ thông tin, viễn thông trong quản lý, giảng dạy; khai tác tốt ứng dụng Google driver trong cơ quan Sở và các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh; thực hiện hiệu quả các phần mềm quản lý phổ cập giáo dục, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành; chỉ đạo các đơn vị khai thác có hiệu quả các thiết bị về CNTT, hệ thống mạng Internet, hệ thống họp trực tuyến; điện tử hóa các loại sổ sách kế toán, giáo án, biểu mẫu thống kê, hồ sơ phổ cập giáo dục - xóa mù chữ; chỉ đạo tăng cường sử dụng các phần mềm trong công tác quản lý, giảng dạy và điều hành.
Hiện tại, toàn ngành có gần 6.000 máy vi tính phục vụ công tác ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, tỷ lệ học sinh/ máy tính ở ngành học phổ thông đạt 29,3 học sinh/ 1 máy tính. Đặc biệt, mới đây, Sở GD-ĐT tổ chức thành công Hội thi Giáo viên sử dụng phòng học thông minh với sự tham gia hào hứng, sôi nổi của 71 giáo viên đến từ các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT cho biết: "Giáo viên đã có sự chuyển biến rõ rệt, từ việc còn gặp nhiều khó khăn khi mới tiếp cận với các thiết bị phòng học thông minh, đến nay, hầu hết giáo viên đã tích cực, chủ động hơn trong việc sử dụng thiết bị phòng học thông minh. Xây dựng được các nội dung hướng dẫn học sinh tương tác với thiết bị và sử dụng khá thành thạo phần mềm dạy học. Học sinh thực sự hứng thú với giờ học có sử dụng thiết bị phòng học thông minh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Ngoài ra, sự tương tác giữa thầy, cô giáo và học trò cũng được cải thiện đáng kể, học sinh có nhiều cơ hội thể hiện quan điểm của mình”.
Với sự đầu tư kịp thời về cơ sở vật chất, sự nỗ lực của các thầy cô giáo đã mang lại những đổi mới tích cực, kịp thời bắt nhịp với nền giáo dục 4.0, đây là bước đệm chuẩn bị kỹ lưỡng cho chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện vào năm học tới, bắt kịp với xu thế đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển chung của địa phương.
Thanh Ba