Trên mạng, họ mời gọi "bắt mạch”, kê đơn "điều trị” đủ thứ bệnh. Bà M. ở phường Minh Tân, thành phố Yên Bái ngoài 60 tuổi, đau lưng thường xuyên, uống nhiều thuốc nhưng giảm chậm. Một lần lướt Facebook, bà thấy quảng cáo thuốc chữa đau lưng gia truyền với lời giới thiệu: 100% người uống thuốc đều khỏi bệnh.
Bà đặt mua theo hướng dẫn của "nhân viên chăm sóc khách hàng” qua điện thoại và cũng chính người này "bắt mạch, kê đơn” luôn cho bà. Ngay hôm sau, một gói hàng lớn gửi về địa chỉ của bà, nhân viên giao hàng thu phí hơn 1 triệu đồng. Sử dụng theo đúng hướng dẫn, đến ngày thứ hai, lưng bà đau hơn, khớp chân cũng đau hơn. Liên hệ với nơi bán hàng thì được trả lời là "bà đang công thuốc nên đau thêm rồi sẽ hết đau!”.
Hơn 1 tuần "công thuốc”, thấy bệnh của bà không giảm, sức lực lại giảm sút do chịu đau thời gian dài, người thân khuyên can bà không dùng "thuốc” nữa. Bà mới ngẫm ra và dừng "thuốc” nhưng không thể lấy lại tiền và cũng không cách nào để quy trách nhiệm cho nơi bán "thuốc” đó, bởi thứ duy nhất bà có thể liên hệ là số điện thoại trên bao bì nhưng lúc gọi được, lúc không.
Cũng thành phố Yên Bái, chị V. ở phường Yên Ninh thấy trên mạng quảng cáo "Thuốc chữa rụng tóc gia truyền bà Hòe” ở huyện Trạm Tấu. Sau nhiều ngày nghiên cứu về công dụng thuốc, nghe những phản hồi của khách đã mua, chị định mua thì có đồng nghiệp khuyên để nhờ người quen hỏi ở Trạm Tấu hỏi và trực tiếp mua hộ. Sau, câu trả lời cho chị là: ở Trạm Tấu không có bà nào tên là Hòe bán thuốc chữa rụng tóc gia truyền! Thậm chí, nếu lên mạng gõ thì sẽ ra rất nhiều trang bà Hòe với nhiều bà Hòe có khuôn mặt khác nhau và ở nhiều tỉnh khác nhau!
Ở một trang Mọc tóc Bà Hòe lại xuất hiện thêm một bà Hòe khác
Thực tế, đánh vào tâm lý có bệnh muốn tìm thuốc chữa, thuốc càng dễ sử dụng thì càng được quan tâm nên có rất nhiều trang mạng bán thuốc chữa bệnh gia truyền. Chỉ bỏ ra vài trăm nghìn đồng để chạy quảng cáo thì các trang mạng bán thuốc gia truyền dễ dàng tiếp cận được với người dùng mạng xã hội.
Sau đó, họ tạo những phản hồi đã dùng thuốc hiệu quả thông qua các tài khoản ảo. Các đối tượng cũng lựa chọn những bệnh thông thường có biểu hiện lâm sàng dễ nhận biết cho người bệnh như đau lưng, xương khớp, đau dạ dày, rụng tóc…
Những "nhà thuốc gia truyền” này không có địa chỉ cụ thể, hoặc là những địa chỉ giả mà thường lấy tại những nơi có truyền thống thuốc Đông y hoặc thuốc Nam của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu mua quần áo hay vật dụng trên mạng khi về không dùng được thì có thể bỏ đi nhưng nếu mua phải thuốc giả trên mạng thì không những không chữa được bệnh mà còn gây nguy hại cho sức khỏe.
Thuốc chữa bệnh quảng cáo trên mạng xã hội hiện nay "thật giả lẫn lộn” trong khi việc quản lý còn gặp khó khăn. Mọi người khi có bệnh thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị, đừng để mình rơi vào cảnh "tiền mất”, "tật mang”, có khi còn mất luôn cả… mạng sống!
Thanh Vy