Chúng tôi đến thăm mẹ Nguyễn Thị Tươi ở thôn 10, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên vào một buổi chiều hè, khi những tia nắng cuối ngày yếu ớt xuyên qua nếp nhà sàn. Hình ảnh người mẹ già lưng còng ngồi bên cửa sổ, đôi mắt mờ đục dõi về phía xa xăm khiến ai nấy đều không khỏi đau lòng. Mặc dù đã bước sang tuổi 93 nhưng mẹ Tươi vẫn còn minh mẫn lắm, Mẹ nhớ từng hồi ức của cuộc đời như lật từng trang giấy, đặc biệt về hình ảnh người con trai đầu của mẹ - liệt sĩ La Văn Tiến.
Theo lời mẹ Tươi, năm 1967, khi ấy anh La Văn Tiến mới 19 tuổi, là con cả trong gia đình 5 anh, chị em đã tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ và tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường miền Nam.
Năm 1968, trong một trận chiến khốc liệt, anh đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa tròn đôi mươi. Sau khi đất nước được hòa bình, theo những thông tin ít ỏi có được, các em trai của liệt sĩ La Văn Tiến đã lặn lội vào chiến trường xưa của anh, băng rừng, vượt suối để tìm nơi anh yên nghỉ.
Nhưng mọi cố gắng đều không thành bởi nhân chứng lịch sử cũng như thông tin thì quá ít ỏi mà cảnh vật cũng đổi thay quá nhiều. Mặc dù vẫn biết như "mò kim đáy biển” nhưng các em trai của liệt sĩ La Văn Tiến vẫn không ngừng tìm kiếm thông tin trên báo, đài, tivi, các trang mạng xã hội.
Ở đâu có thông tin về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là xem, ghi chép lại, hy vọng có tên người thân mình để rồi lại thất vọng. "Hơn nửa thế kỷ trôi qua, giờ chỉ có suy nghĩ hài cốt của anh may mắn đã được quy tập, mai táng ở đâu đó cho dù là ngôi mộ vô danh cũng an ủi phần nào!”, ông La Văn Nghiệu - em trai liệt sĩ La Văn Tiến tâm sự.
Đối với bà Hoàng Thị Cấp, ở thôn Làng Già, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên - con gái của liệt sĩ Hoàng Văn Bằng thì hành trình tìm kiếm hài cốt của bố cũng đầy gian nan, vất vả, mịt mờ nhưng bà và người thân chưa bao giờ có ý định từ bỏ dù thời gian đã trôi qua tròn nửa thế kỷ.
Ở cái tuổi lục tuần nhưng khi nhắc về bố, bà Hoàng Thị Cấp vẫn rưng rưng nước mắt. Bà chỉ nhớ mang máng hình ảnh về bố bởi khi ông tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường miền Nam thì bà vẫn còn nhỏ. Khi lớn lên, bà được người thân kể về sự hy sinh của bố như một lời nhắc nhở về truyền thống anh dũng, yêu nước của gia đình.
Đó là năm 1970, trong một lần cùng đồng đội vận động một số người theo địch quay về với cách mạng, ông Hoàng Văn Bằng và đồng đội bị kẻ địch bắn chết. Ông được đồng đội và người dân chôn cất ở dưới chân núi thuộc tỉnh An Giang.
Với những thông tin có được, vào năm 2006, bà Cấp và già đình bắt xe vào xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang để tìm hài cốt bố. Hành trình dài hơn 2.000 km nhưng bà không cảm thấy mệt mỏi bởi khi đến nơi bà nhận được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương và nhân dân; thông tin phần mộ càng rõ ràng hơn khi gặp được chính người tận tay đã chôn cất bố mình.
Tuy nhiên, do thời gian, sự phát triển của xã hội và địa hình, địa vật thay đổi quá nhiều nên cuộc tìm kiếm lại rơi vào vô vọng. Không bỏ cuộc, bà ở đó hơn mười ngày để dò hỏi thông tin, đào xới từng khu vực mà người ta chỉ cho, có những lúc tưởng như đã đi đúng hướng, tìm đúng chỗ nhưng kết quả vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh.
Sau mọi nỗ lực, bà Cấp đành phải quay về, nhưng với bà và người thân hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Hoàng Văn Bằng chưa bao giờ kết thúc với đủ mọi cách, kể cả bằng hình thức tâm linh, ngoại cảm. Đã 50 năm trôi qua nhưng bà vẫn thường xuyên gửi thông tin đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái, đặc biệt là cơ quan, chính quyền địa phương nơi liệt sĩ Hoàng Văn Bằng hy sinh để hy vọng may mắn sẽ đến với bà và gia đình.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp những người mẹ, người vợ, người con, người thân của các liệt sĩ đang ngày đêm mòn mỏi hy vọng tìm thấy hài cốt liệt sĩ để đưa các anh về yên nghỉ nơi đất mẹ. Theo số liệu từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Yên, hiện nay trên địa bàn huyện Lục Yên có hơn 250 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, vẫn còn nằm lại đâu đó trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia. Nỗ lực tìm kiếm hài cốt các anh chưa bao giờ ngơi nghỉ trong tâm trí người thân và các đồng đội, cho dù các anh có nằm nơi đâu thì Đảng, Nhà nước, nhân dân và các thế hệ sau luôn biết ơn và đời đời ghi nhớ sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ cho nền hòa hình, độc lập tự do của dân tộc!
Anh Dũng