Huyện Văn Yên có địa bàn rộng 25 xã, thị trấn, với 12 dân tộc sinh sống.
Thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của Đảng, Nhà nước, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo, phân công nhiệm vụ cho các ngành, đoàn thể phụ trách các xã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo; phân tích thực trạng, nguyên nhân nghèo của từng hộ để có những giải pháp phù hợp giúp đỡ.
Các chính sách xã hội lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn ưu đãi… được triển khai mạnh tại các xã vùng đồng bào DTTS có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Lang Thíp, Phong Dụ Thượng, Châu Quế Thượng, Mỏ Vàng, Nà Hẩu…
Cụ thể, Chương trình 135, tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2015 -2020 là trên 178 tỷ đồng, trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên 135 tỷ đồng với 227 công trình đường giao thông, điện, trường học, nhà văn hóa thôn, công trình thủy lợi…
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên 36 tỷ đồng, đã đầu tư hỗ trợ cho hơn 10.000 lượt hộ đồng bào DTTS nghèo mua sắm máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, mua giống cấy trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu… phục vụ sản xuất.
Thực hiện Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã triển khai dự án định canh, định cư tập trung tại thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ Thượng, với kinh phí 6 tỷ đồng. Các công trình được đầu tư là đường bê tông, nhà sinh hoạt cộng đồng… đã tạo điều kiện cho 69 hộ DTTS nơi đây ổn định cuộc sống phát triển sản xuất.
Ông Phương Quốc Khải - Phó phòng Dân tộc huyện cho biết: Những năm qua, huyện đã đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các chương trình dự án vùng đồng bào DTTS nhất là công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, tạo điều kiện để đồng bào có thu nhập và giảm chênh lệch mức sống giữa các vùng.
"Các chương trình, dự án triển khai đều đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng DTTS được tiếp cận khoa học kỹ thuật (KHKT), được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Từ các chương trình dự án đã góp phần để mỗi năm huyện giảm trên 5% hộ nghèo” - ông Khải nói.
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, đời sống đồng bào vùng DTTS được nâng lên rõ rệt, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần để huyện Văn Yên hình thành một số vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 1.000 ha tập trung ở các xã: Đại Phác, Yên Phú, An Thịnh, Đông Cuông và xây dựng thương hiệu gạo Chiêm hương Đại - Phú - An; vùng ngô với diện tích 6.000 ha/năm, sản lượng đạt gần 23.000 tấn/năm; vùng quế diện tích trên 45.000 ha, mang lại nguồn thu trên 700 tỷ đồng/năm; hay vùng trồng sắn với diện tích 4.500 ha, mỗi năm thu về gần 150 tỷ đồng.
Bên cạnh những cây trồng chủ lực, huyện đang tập trung đẩy mạnh việc trồng một số loại cây ăn quả có múi, với mục tiêu hết năm 2020 đạt 600 ha; cây dâu tằm 100 ha và trên 400 ha tre măng Bát độ…
Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất.
Nhiều hộ hiến đất mở đường, tích cực tham gia ngày công xây dựng nông thôn mới để đến nay huyện đã có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Với việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách đã đem lại những thay đổi căn bản trong đời sống vật chất vùng đồng bào DTTS. Phát huy những kết quả đạt được, huyện tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm kỳ 2020 -2025 nâng mức thu nhập đạt 65 triệu đồng/người/năm.
Thạch Phong