Lục Yên là huyện có nhiều sông, suối, ao, hồ. Thêm vào đó, trên địa bàn huyện phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Dao, Nùng sinh sống, có truyền thống làm nhà có ao trước sân để tiện sinh hoạt, gia tăng nguy cơ đuối nước ở trẻ.
Trước thực trạng đó, vừa qua, huyện Lục Yên đã yêu cầu 24 xã, thị trấn rà soát lại toàn bộ hệ thống ao, hồ, sông, suối có nguy cơ xảy ra đuối nước trên địa bàn, làm cơ sở để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng xã thực hiện cắm biển cảnh báo và làm rào chắn an toàn. Đồng thời, tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết bảo vệ an toàn, chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em.
Theo đó, toàn huyện có hơn 2.800 hộ có ao; 140 điểm ao, hồ, sông, suối có nguy cơ cao xảy ra đuối nước. Ngay sau rà soát, các xã, thị trấn đã tích cực tuyên truyền, vận động, chung tay tổ chức các hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ em, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện công tác này, 6/6 điểm sông, suối trên địa bàn xã Phúc Lợi được cắm biển cảnh báo, 89/89 hộ gia đình có ao, đập mất an toàn đã hoàn thành việc làm rào chắn an toàn.
Ông Triệu Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi cho biết: Xã đã thành lập Ban chỉ đạo về phòng chống đuối nước trẻ em và phòng chống cháy nhà xã Phúc Lợi, từ đó, xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng chống đuối nước trẻ em, tuyên truyền vận động 100% hộ dân ký cam kết thực hiện các biện pháp khắc phục.
"Chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã và các thôn; phối hợp với Chương trình phát triển vùng huyện Lục Yên tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ; thành lập 3 tổ thường xuyên kiểm tra theo dõi hằng ngày, có phân công trực tại các giờ cao điểm” - Ông Tuấn nói.
Không chỉ ở xã Phúc Lợi, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã và đang tổ chức các hoạt động tương tự để bảo vệ trẻ khỏi đuối nước. Hoạt động làm rào chắn quanh ao, cắm biển báo nguy cơ mất an toàn ở các khu vực nước sâu đã thực sự lan tỏa rộng khắp, tạo thành phong trào, được chính quyền, đoàn thể và các hộ gia đình nhiệt tình hưởng ứng.
Những hộ gia đình có điều kiện thì xây tường gạch, quây lưới thép chắc chắn, các hộ khác thì rào bằng cọc tre, phên nứa… Những hộ đã rào chắn nhưng xuống cấp cũng tích cực sửa chữa, cải tạo lại cho an toàn. Chính quyền, các tổ chức đoàn thể còn chủ động tổ chức các buổi giúp đỡ, đóng góp công lao động cùng nhân dân thực hiện.
Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện đa dạng các giải pháp bảo vệ trẻ khỏi đuối nước như: tăng cường tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em; tổ chức các lớp học bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ; các cơ sở Đoàn phát động phong trào chung tay thực hiện biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ bằng những việc làm ý nghĩa, phù hợp: tuyên truyền bằng loa truyền thanh, tổ chức các buổi tuyên truyền thực tế để hướng dẫn trẻ nhận biết các khu vực nguy hiểm…
Có thể thấy, năm 2020 là năm huyện Lục Yên tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ. Đây còn là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm và là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm của các xã, thị trấn và đơn vị liên quan.
Hoài Anh