Hàng năm, Ban Chỉ đạo Hội đồng Quản trị Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lục Yên luôn chủ động tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể triển khai nâng mức cho vay, thời hạn cho vay tối đa của một số chương trình tín dụng chính sách (TDCS); văn bản mới quy định huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân để triển khai cho vay vốn kịp thời, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh; thường xuyên đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và tạo lập nguồn vốn cho vay quay vòng.
Từ việc triển khai khá bài bản nhiều chương trình TDCS nên nhiều năm qua, tăng trưởng dư nợ luôn hoàn thành 100% kế hoạch giao. Hiện, tổng nguồn vốn cho vay của Phòng đạt trên 538 tỷ đồng, tăng trên 47 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó, cho vay hộ nghèo trên 176 tỷ đồng, cận nghèo trên 87 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo trên 46 tỷ đồng, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn gần 62 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên 16 tỷ đồng…
Ông Dương Quốc Tuấn - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Phòng luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của ngân hàng cấp trên, cấp ủy, chính quyền địa phương; từ đó, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, trong hoạt động chuyên môn vẫn còn không ít những khó khăn như: khách hàng vay vốn của NHCSXH là những đối tượng trực tiếp bị tác động xấu từ biến động kinh tế, thời tiết đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi; học sinh, sinh viên vay vốn ra trường không tìm được việc làm; một bộ phận người dân chưa hiểu đầy đủ về chính sách tín dụng của Chính phủ nên chưa chấp hành nghiêm túc việc trả nợ vay…
"Để phát huy hiệu quả sử dụng vốn vay, thời gian tới, Phòng tiếp tục phân tích đánh giá nhu cầu về vốn, bám sát tình hình nợ đến hạn, chủ động giải ngân… hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" - ông Tuấn nói.
Hiện nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lục Yên đang thực hiện giao dịch thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội với 352 tổ tiết kiệm và vay vốn gồm: Hội Phụ nữ với 101 tổ, dư nợ trên 165 tỷ đồng; Hội Nông dân 93 tổ, dư nợ trên 135 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh 84 tổ, dư nợ trên 122 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên 74 tổ, dư nợ trên 113 tỷ đồng. Qua 9 tháng năm 2020, có 331 tổ đạt loại tốt, 17 tổ đạt loại khá, 4 tổ trung bình.
Qua kiểm tra, hầu hết các hộ và đối tượng được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình hàng năm, TDCS đã giúp gần 1.000 hộ thoát nghèo bền vững, gần 3.000 lao động có việc làm ổn định. Nợ quá hạn hiện nay là 460 triệu đồng, chiếm 0,08%.
Cùng đó, những năm gần đây, Phòng không chỉ mở rộng về khối lượng và đối tượng phục vụ mà còn đổi mới quy trình, thủ tục và phương thức cho vay được ủy thác từng phần qua các tổ chức, đoàn thể; từ đó, giúp đồng vốn vay đến với người dân được nhanh chóng, thuận tiện, tiết giảm được chi phí giao dịch; đồng thời, lồng ghép hiệu quả các chương trình tín dụng khác như: khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, các chương trình văn hóa, xã hội, chuyển giao khoa học, kỹ thuật… góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thái Hưng