Phụ nữ Yên Bái hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/11/2020 | 7:45:28 AM

YênBái - Phụ nữ chiếm trên 48% lực lượng lao động trong tỉnh, có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Song doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nên ngoài vượt qua sự thiếu tự tin, tư tưởng an phận, định kiến giới, nhạy bén tiếp cận thị trường, rất cần sự hỗ trợ để chị em hiện thực hóa ý tưởng.

Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (thứ nhất, bên phải) tham quan gian trưng bày sản phẩm thổ cẩm của Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải tại buổi lễ trao giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp.
Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (thứ nhất, bên phải) tham quan gian trưng bày sản phẩm thổ cẩm của Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải tại buổi lễ trao giải Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp.

Vượt lên khó khăn 

Một trong những khó khăn khi phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là sự lựa chọn giữa công việc với gia đình. Với những người phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì định kiến giới càng ăn sâu vào tư tưởng. 

Chị Lý Thị Ninh ở thôn Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó từ lâu đời với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Mông. Các sản phẩm thổ cẩm được nhiều du khách yêu thích. Mình rất mong muốn thành lập tổ hợp tác (THT) thêu dệt thổ cẩm để chị em tăng thu nhập cho gia đình. Song, chị em ở đây chủ yếu không biết tiếng Việt, e ngại giao tiếp, còn tư tưởng phải lo nhiều việc gia đình, ruộng, nương, sản phẩm làm ra bán cho ai, ngại tham gia kinh doanh... rất nhiều lý do khiến chị em chùn bước. 

Chỉ đến khi Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Crat Link tìm đến đặt hàng, chị em mới yên tâm, mạnh dạn tham gia THT”. 

Vừa làm vừa tìm hiểu thêm, các sản phẩm khăn trải bàn, váy, balo túi, dây buộc tóc..., các món đồ lưu niệm lần lượt hoàn thành. Thành phẩm đã có và tất nhiên đã có hiệu quả kinh tế, chị em phấn khởi học hỏi nhiều nơi để tạo các sản phẩm có chất lượng. Đến nay, đã hơn 5 năm THT được thành lập, sản phẩm thổ cẩm được đều đặn giao cho Công ty và là món quà lưu niệm ý nghĩa cho du khách. Đã có nhiều hộ thoát nghèo nhờ tham gia THT này.

Mỗi phụ nữ khởi nghiệp khác nhau, chị Lường Thị Thiết ở xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn ấp ủ làm ra những sản phẩm từ quy trình sản xuất hữu cơ: không sử dụng thuốc trừ sâu, không sử dụng phân hóa học, không dùng các chất bảo quản thực phẩm, đảm bảo các yếu tố về nguồn nước, phân bón hữu cơ và đất. 

Chị Thiết cùng các thành viên ở hai THT sản xuất rau và một THT sản xuất lúa của xã để thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông sản hữu cơ Phúc Sơn. Song đây là mô hình mới của xã, vả lại các thành viên chưa thấy rõ được hiệu quả kinh tế, môi trường mang lại, chưa quen liên kết làm ăn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên việc vận hành HTX còn nhiều khó khăn. "Chúng tôi phải đi đầu áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ vào canh diện tích lúa của HTX, dùng thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ (phân chuồng ủ hoai). 

Tuy sản lượng lúa Séng cù HTX thu được vụ đầu chưa đạt nhưng giá trị thu được lại cao. Cùng đó, chúng tôi cũng kết nối tiêu thụ sản phẩm gạo Séng cù với Công ty TNHH Tâm Đạt, Hà Nội và Trung tâm Hữu cơ Việt Nam. Sản phẩm rau của HTX cung cấp cho các trường học trên địa bàn xã. Qua đó bước đầu tạo niềm tin cho chị em tham gia HTX. Hiện nay, HTX đã có 1 ha sản xuất rau và 1,5 ha sản xuất lúa Séng cù” - chị Thiết chia sẻ. 

Từ hiệu quả của việc cải thiện môi trường và hiệu quả kinh tế mang lại, năm 2021, xã Phúc Sơn tiếp tục quy hoạch thêm 2 ha đất để mở rộng diện tích trồng lúa séng cù của HTX đưa tổng diện tích trồng lúa lên 3,5 ha. 

Với chị Triệu Minh Hiền, HTX vật liệu xây dựng Hiền Nội, tại xã Mai Sơn, huyện Lục Yên khi mới bắt tay vào kinh doanh cũng không ít trăn trở khi chậm thu hồi vốn, thiếu kỹ  thuật, kinh nghiệm, chưa hiểu rõ các chính sách thuế, thủ tục nộp thuế, phương pháp quản lý doanh nghiệp… 

Sự kiên trì của chị Hiền cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và nhất là tổ chức Hội Phụ nữ sau 10 năm lăn lộn thương trường, chị Hiền đã thành lập Công ty TNHH Hiền Nội chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải và sản xuất gạch không nung. Công ty phát triển ổn định tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 7 triệu đồng/người/tháng. 

"Chìa khóa” để khởi nghiệp 

Đa số phụ nữ khi khởi nghiệp và phát triển kinh doanh đều thiếu kiến thức, kỹ năng, hạn chế khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và khó khăn trong tiếp cận tài chính; đội ngũ cán bộ Hội còn hạn chế, thiếu các kiến thức kỹ năng về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; việc kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX, THT do nữ làm chủ còn phụ thuộc vào tư thương, giá cả bấp bênh - Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Đề án 939 được UBND tỉnh phê duyệt đã đề cập. 

Triển khai thực hiện Đề án 939, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp như tập huấn; phối hợp triển khai Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”; huy động các nguồn lực hỗ trợ thành lập HTX, THT, doanh nghiệp do nữ làm chủ; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; duy trì hiệu quả hoạt động ủy thác với ngân hàng cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Hội cũng phối hợp với Hội Nữ doanh nhân tỉnh tổ chức Ngày Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, tọa đàm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại nhằm quảng bá kết nối tiêu thụ các sản phẩm của hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh.



Chị Lý Thị Ninh - Tổ trưởng Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (bên trái) kiểm tra sản phẩm thổ cẩm với thành viên Tổ hợp tác. 

Năm 2020, Hội đã chủ trì tổ chức 6 lớp tập huấn phụ nữ là quản lý, thành viên doanh nghiệp, HTX, THT và phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tổ chức 10 lớp đào tạo nghề về sản xuất rau an toàn, kỹ thuật nấu ăn, may công nghiệp, chăn nuôi thú y, chăm sóc sắc đẹp… 

Hội cũng chủ trì phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập và ra mắt được 6 HTX do nữ làm chủ: HTX Thanh long ruột đỏ Minh Quân, HTX Chăn nuôi và dịch vụ Quy Mông, huyện Trấn Yên; HTX Nông sản hữu cơ Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ; HTX Nguyệt Tình, xã Nậm Búng và HTX Học Lý, thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn; HTX Kinh doanh tổng  hợp Tuấn Mùi, huyện Yên Bình. 

Đến nay, Hội đã hỗ trợ thành lập 20 HTX, duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm thành viên với mức bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng/thành viên/tháng. Hội cũng vận động thành lập 5 doanh nghiệp do nữ làm chủ, đó là Công ty TNHH Hồng Thủy, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình; Công ty TNHH An Dũng, Công ty TNHH sản xuất nước tinh khiết, huyện Trấn Yên; Công ty TNHH đầu tư và phát triển VENUS, thành phố Yên Bái; Công ty TNHH Hải Linh Văn Yên, huyện Văn Yên. Hội đã vận động thành lập và ra mắt 144 THT do nữ làm chủ với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, nghề truyền thống… 

Đặc biệt, năm 2020, Hội giới thiệu 10 ý tưởng tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, kết nối thành công do Trung ương Hội tổ chức. Kết quả Đề án của THT Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải do chị Lý Thị Ninh làm tổ trưởng là một trong 68 ý tưởng lọt vào vòng Chung kết được tôn vinh và trao giải Tác động xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững với trị giá trên 300 triệu đồng để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp - đó cũng là chìa khóa để chị em nhất là phụ nữ vùng cao khởi nghiệp.

Song hành với những phụ nữ sẵn sàng dấn thân, không ngại khó, ngại khổ, tích cực, tự tin, quyết đoán, thật sự đam mê khởi nghiệp rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương và cán bộ Hội LHPN các cấp, hỗ trợ chị em hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.

Minh Huyền

Tags Phụ nữ Yên Bái ý tưởng khởi nghiệp

Các tin khác
Quả bom được phát hiện tại công trình thi công tại số 15 Cửa Bắc.

Một quả bom nặng 340kg vừa được phát hiện tại công trình thi công ở số 15 Cửa Bắc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) vào tối 28/11.

TS.BS Đỗ Minh Loan trao đổi tại phòng thu trực tiếp với phóng viên VOV2

Theo tổ chức Y tế thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên bị rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam, tỷ lệ này là từ 8 - 29%. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Thị Cẩm Nhung.

Chiều 28/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Lễ tuyên dương "Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".

Ban Thường vụ Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt Đại hội.

Sáng 28/11, tại thị xã Nghĩa Lộ, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự và chỉ đạo Đại hội có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Nguyễn Chiến Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục