Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố trên địa bàn.
Việt Nam đã tránh cho hơn nửa triệu người không bị nhiễm HIV
Kể từ người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến năm 2020 Việt Nam đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong phòng chống HIV/AIDS được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao khi là quốc gia đầu tiên hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc. Cùng với đó, thường xuyên triển khai rất kịp thời, sáng tạo các giải pháp, chuyên môn và có hiệu quả rất cao.
Trong đó, Việt Nam đã có xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, xét nghiệm HIV cho bạn tình và bạn chích, xét nghiệm HIV sớm; phân phát bao cao su, bơm kim tiêm, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm; điều trị ngay khi phát hiện một người nhiễm HIV, tuyên truyền vận động tuân thủ điều trị…
Việt Nam liên tục đạt mục tiêu "3 giảm", đó là giảm số người mới phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.
Theo tính toán của các chuyên gia, chúng ta đã tránh cho hơn nửa triệu người không bị nhiễm HIV, gần 200.000 người thoát khỏi tử vong do AIDS. Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới, trong đó mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 với chủ đề "30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam” là một dấu mốc quan trọng để Việt Nam nhìn lại các thành quả mà chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được trong suốt 30 năm qua, những bài học kinh nghiệm mà Việt Nam đã đạt được và phương hướng hoạt động cho thời gian tới.
Yên Bái đã kiểm soát tốt HIV trên cả 3 tiêu chí
Tại Yên Bái, từ trường hợp nhiễm HIV được phát hiện vào năm 1997 đến nay, lũy tích số người nhiễm HIV của toàn tỉnh là 6.023 người, trong đó, lũy tích tử vong là 1.634 người, số người nhiễm HIV còn sống hiện quản lý được là 2.292. Hiện 9/9 huyện, thị xã, thành phố, 160/173 xã phường trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV.
Trong những năm qua, Yên Bái đã có những ứng phó một cách toàn diện trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Trong 30 năm qua, hệ thống cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS được xây dựng, củng cố từ tỉnh đến xã, phường đảm bảo triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS một cách thường xuyên, hiệu quả.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 điểm điều trị thuốc ARV và 27 điểm cấp phát thuốc cho 1.630 bệnh nhân; tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV cho 32.155 lượt cho các đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV, phát hiện mới 84 ca nhiễm HIV; phát bơm kim tiêm cho trên 1.100 người.
Đến nay, Yên Bái đã kiểm soát tốt HIV trên cả 3 tiêu chí, giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người tử vong do AIDS, giảm số người chuyển giai đoạn AIDS. Qua đó, Yên Bái đang tiến gần đến các mục tiêu 90 - 90 - 90 mà Chính phủ đã cam kết tạo cơ hội để kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Tạo thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các địa phương cần chủ động xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS cho đến năm 2030, trước mắt cho giai đoạn trung hạn 2021-2025. Tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối với ngành y tế, cần phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.
Thực hiện tốt công tác liên thông trong khám chữa bệnh, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV; người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV; người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV sớm và tham gia bảo hiểm y tế. Làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân hiểu được và không kỳ thị người mắc, nhiễm HIV/AIDS.
Đối với các tổ chức xã hội, cộng đồng, cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, nhất là việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đích của mình. Các cơ quan Chính phủ thời gian tới cũng cần giúp Chính phủ nghiên cứu đề xuất tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho sự tham gia của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Phó Thủ tướng cũng mong muốn và đề nghị Chính phủ các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật để giúp Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tại Hội nghị, ghi nhận những đóng góp của Cục phòng, chống HIV/AIDS có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Chủ tịch nước đã trao tặng 1 Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và 6 Huân chương Lao động hạng Ba cho các cá nhân thuộc Cục có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thu Hiền