Qua rà soát, thống kê từ năm 2015 - 2020, toàn tỉnh phát hiện mới 1.113 vụ, 1.796 trường hợp công dân XCTP. Trong đó, năm 2015 là 210 vụ/432 trường hợp; năm 2016, 294 vụ/450 trường hợp; năm 2017, 221 vụ/338 trường hợp; năm 2018, 162 vụ/ 233 trường hợp; năm 2019, 138 vụ/185 trường hợp; năm 2020, 88 vụ/158 trường hợp. Đối tượng XCTP phần lớn là đồng bào Mông, Dao, Tày, Cao Lan, Thái…
Nguyên nhân dẫn đến XCTP, về chủ quan, do đời sống bà con còn gặp khó khăn, phần lớn không có bằng cấp, trình độ chuyên môn, tay nghề nên không có việc làm ổn định hoặc có việc làm song thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân còn hạn chế về trình độ, nhận thức, mất cảnh giác, nhẹ dạ cả tin, dẫn đến một số cá nhân, tổ chức lợi dụng chính sách thông thoáng về xuất cảnh, du lịch và xuất khẩu lao động của Nhà nước để lừa gạt, tổ chức người vượt biên trái phép hoặc làm dịch vụ du lịch trá hình đưa người ra nước ngoài để trục lợi.
Cùng nguyên nhân chủ quan, khách quan: thực tế lao động phổ thông tại các nước trong khu vực có mức thu nhập cao hơn trong nước nên thu hút người lao động qua biên giới làm thuê. Biên giới Việt Nam - Trung Quốc dài, có nhiều đường mòn, lối mở, sông, suối cạn... nên việc XCTP khá dễ dàng.
Việc quản lý Nhà nước về cư trú, đặc biệt là ở cấp xã chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý, giải quyết sau vi phạm chưa đủ sức răn đe. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục của chính quyền địa phương chưa làm tốt dẫn đến nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao, bất chấp rủi ro để ra nước ngoài lao động qua các kênh không an toàn…
XCTP là hành vi vi phạm pháp luật, để lại nhiều hậu quả và rủi ro cho người XCTP và gia đình. Trong thời gian ở nước ngoài, người XCTP có thể bị lực lượng chức năng các nước sở tại bắt giữ khai thác thông tin, thu giữ tiền, tài sản. Cá biệt, có trường hợp bị ép ký tên, điểm chi vào những tài liệu đánh máy bằng chữ nước ngoài không rõ nội dung và bị giam giữ.
Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, có 598 trường hợp công dân Yên Bái đã bị Công an Trung Quốc bắt trao trả, bắt buộc về nước. Do đa số người XCTP không biết tiếng nước sở tại, không có giấy tờ hợp pháp nên quyền lợi cá nhân không được đảm bảo, luôn phải sống trong tình trạng lo lắng vì có thể bị bắt giữ, ngược đãi.
Đồng thời, do lao động "chui” nên người XCTP thường phải làm những công việc vất vả, môi trường làm việc khắc nghiệt, thậm chí còn bị đánh đập, phải ăn, ngủ, nghỉ ngay tại xưởng làm việc, nhiều trường hợp còn bị quỵt tiền lương hoặc bị trả lương không đúng với thỏa thuận ban đầu.
Đáng chú ý, từ năm 2015 đến nay, có 10 trường hợp công dân XCTP hoặc sử dụng giấy thông hành xuất cảnh sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp bị chết, việc đưa thi hài hoặc tro cốt về địa phương mai táng thủ tục khó khăn, phức tạp, tốn kém.
Đặc biệt, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số người XCTP trở về địa phương là một trong những nguồn có khả năng cao lây bệnh tiềm ẩn trong xã hội do không được kiểm tra, sàng lọc y tế trong quá trình xuất nhập cảnh…
Để ngăn chặn tình trạng XCTP, cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và cơ quan chức năng cần tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nghiêm túc, đầy đủ nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, chính sách xuất khẩu lao động, những nguy cơ tác hại của XCTP… tới người dân, nhất là đối tượng đồng bào dân tộc ít người.
Trong đó, cần tiếp tục tuyên truyền hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 3/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh di cư trái phép, cư trú lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật ở nước ngoài; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Cùng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, để giải quyết triệt để, căn bản, bền vững XCTP, cần sự vào cuộc, chung tay của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương trong công tác quản lý lao động, bố trí việc làm, giới thiệu việc làm, mở các lớp dạy nghề, các dự án xuất khẩu lao động nhằm tạo việc làm, thu nhập cho số công dân trong độ tuổi lao động không có việc làm.
Các địa phương cần tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, để người dân có thu nhập và cuộc sống ổn định, không phải ly hương sang xứ người làm thuê.
Với vai trò nòng cốt, lực lượng công an, trực tiếp là công an xã cần tăng cường làm tốt công tác quản lý cư trú ngay từ cơ sở, kịp thời phát hiện những trường hợp vắng mặt tại địa phương không rõ lý do, nghi XCTP để theo dõi và có biện pháp xử lý phù hợp.
Phải thường xuyên phát động Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, thông qua nhiều hình thức để tuyên truyền, nhất là việc tranh thủ, vận động người có uy tín trong cộng đồng phát huy vai trò giúp nhân dân nhận thức sâu sắc về những hành vi vi phạm về hệ lụy của tình trạng XCTP.
Từ đó người dân tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương chung tay phòng chống XCTP qua thực hiện tốt "3 không" đó là: không XCTP; không tiếp tay, đưa đón hoặc bao che cho người XCTP; không tổ chức, môi giới cho người khác XCTP. Khi người dân phát hiện những biểu hiện vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh, thông báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.
Tuy còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng với sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy các cấp; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở, tin tưởng, tình trạng XCTP trong đồng bào dân tộc thiểu số thời gian tới sẽ được Yên Bái giải quyết triệt để, bền vững.
Nguyễn Đình