Trung tâm Hương Giang: Góp phần thắp sáng ước mơ cho trẻ khuyết tật

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/3/2021 | 6:48:20 AM

YênBái - Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp và Can thiệp sớm trẻ khuyết tật (TG&CTSTKT) Hương Giang ở thành phố Yên Bái đã giúp trên 700 trẻ khuyết tật được phục hồi chức năng và học nghề.

Giáo viên dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại Câu lạc bộ “Thắp sáng ước mơ”.
Giáo viên dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại Câu lạc bộ “Thắp sáng ước mơ”.

Bằng cả tấm lòng yêu thương với những phận đời đáng thương, dù gặp không ít khó khăn, song với sự quyết tâm và được Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam và chính quyền địa phương giúp đỡ, năm 2014 bà Lương Thị Thu Hà đã thành lập Trung tâm TG&CTSTKT Hương Giang. 

Tại Trung tâm, trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh được học nghe, nói, phát triển ngôn ngữ và nhận thức, tư duy theo đúng lứa tuổi. 

Bên cạnh đó, với những cháu ở xa không có điều kiện theo học thì các thầy, cô giáo tiếp xúc, đánh giá tình trạng bệnh ở trẻ và lên chương trình can thiệp, đồng thời hướng dẫn phụ huynh giáo dục trẻ khuyết tật tại gia đình. 

Trung tâm có 5 giáo viên và 1 kỹ thuật viên mát xa được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt. Với trách nhiệm và tấm lòng thương yêu trẻ, các thầy, cô đã kiên nhẫn dạy từng từ, từng chữ cho các em.

Trung tâm đã và đang mang lại niềm vui, niềm hy vọng cho bao gia đình có trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Năm 2018 Trung tâm đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) "Thắp sáng ước mơ” đưa lớp học nghề làm hoa giấy vào lớp nghề cho trẻ khuyết tật ở độ tuổi trên 15, đã đem lại niềm vui cho các em và gia đình. 

Bà Nguyễn Thị Phú, xã Giới Phiên chia sẻ: "Cháu trai tôi là Nguyễn Phúc Duy bị khiếm thính, trước đây sống rất khép mình, ít giao tiếp. Năm 2019, gia đình đăng ký cho cháu theo học tại Trung tâm TG&CTSTKT Hương Giang, từ đó cháu có chuyển biến rất tốt, vui vẻ hơn, không lầm lì như trước, rất háo hức tham gia các buổi học". 

"Đặc biệt, khi được tham gia CLB "Thắp sáng ước mơ” cháu đã làm được nhiều bó hoa, lẵng hoa rất đẹp. Tôi hy vọng cháu học được nghề làm hoa để sau này có việc làm, bớt đi phần nào gánh nặng cho bố mẹ cháu và chính bản thân cháu” - bà Phú nói. 

Từ thiết kế, cho đến việc gấp, cắt, uốn lượn theo hình cánh hoa, cuốn hoa, tạo hình lá, trang trí… đều được các em nhỏ miệt mài thực hiện. Sản phẩm hoa giấy do các em làm đã được Trung Tâm giới thiệu đến khách hàng, bước đầu đã có các tổ chức cá nhân ủng hộ. Tuy thu nhập chưa cao nhưng cũng là nguồn cổ vũ, động viên để các em có thêm động lực, tiếp tục học và làm để ngày càng tiến bộ, thành công hơn.

Tự tay chỉ dẫn các em khuyết tật làm hoa giấy, cô giáo Phạm Ngọc Huyền đã đồng hành cùng các em trong suốt 5 năm qua cho hay: "Mình dạy các em khuyết tật là phải thật kiên trì, từng tí, từng tí  để gấp làm sao, uốn làm sao cho đẹp, có khi cả buổi chỉ với 1 thao tác. Ngoài ra mình luôn dạy các em bằng tình yêu thương, yêu các em như chính những người thân của mình, để các em cảm nhận sự ấm áp, tự tin, nỗ lực vượt lên số phận”.

Mong muốn của các thành viên trong Trung tâm chính là làm sao để mọi trẻ em khuyết tật ở Yên Bái được giáo dục và can thiệp sớm tình trạng bệnh tật cũng như có thêm những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ để các bé vượt qua tình trạng bệnh tật, hòa nhập cuộc sống. 

Bà Lương Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm TG&CTSTKT Hương Giang cho biết: "Đã có trên 700 trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh được phục hồi chức năng tại Trung tâm, chúng tôi hy vọng sẽ ngày càng thu hút, hỗ trợ được nhiều hơn nữa trẻ em mắc các bệnh, dị tật bẩm sinh, giúp các em tự lập, hòa nhập với các bạn cùng trang lứa". 

"Nghề làm hoa giấy chúng tôi đưa vào để tạo nghề cho các em. Các sản phẩm hoa giấy với nhiều mẫu mã, chúng tôi cũng đã giới thiệu đến nhiều tổ chức, cá nhân với mong muốn được người tiêu dùng ủng hộ để các em có nguồn quỹ tiếp tục mua nguyên liệu để hỗ trợ dạy nghề cho nhiều trẻ khuyết tật hơn nữa” - Bà Hà tâm tự. 

Tuy nhiên, để Trung tâm TG&CTSTKT Hương Giang nâng cao chất lượng, để có thêm nhiều trẻ khuyết tật tự tin vươn lên sống hòa nhập với cộng đồng cũng rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh quan tâm giúp đỡ.

 Minh Huyền

Tags Thành phố Yên Bái Hương Giang trẻ khuyết tật ước mơ

Các tin khác
Mô hình “Thủ lĩnh Đoàn tiên phong” trong phát triển kinh tế ở Mù Cang Chải mang lại hiệu quả cao.

Một trong những phong trào sôi nổi nhất không thể không nhắc đến là phong trào "Thủ lĩnh Đoàn tiên phong”, giai đoạn 2020 - 2022 do Huyện đoàn Mù Cang Chải phát động với Chủ đề "Thủ lĩnh Đoàn tiên phong thực hiện mô hình phát triển kinh tế gia đình”.

Đồng bào dân tộc Tày Lục Yên với nghề thủ công truyền thống.

Năm 2021, huyện Lục Yên phấn đấu có 85,5% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 93% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa; 98% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 3 xã ra mắt xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; mỗi xã, thị trấn lựa chọn từ 1 - 2 mô hình điểm về văn hóa để nhân rộng.

Cán bộ xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) cùng nhân dân khai hoang ruộng nước.

Sau 1 năm thực hiện Mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân", huyện Mù Cang Chải đã thu hút gần 31.000 lượt cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện tham gia thực hiện các công trình, phần việc giúp dân.

Diện tích ruộng bị bùn đất tràn vào sẽ được hỗ trợ.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Bình và UBND xã Thịnh Hưng đã xác định thực địa, tiến hành đo đạc các thửa ruộng bị ảnh hưởng của từng hộ dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục