Sức khỏe của người lao động là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, năng suất làm việc và hiệu quả hoạt động của công ty, đơn vị, doanh nghiệp.
Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các công ty, đơn vị, doanh nghiệp để tăng cường nhận thức trách nhiệm và thực hiện nghiêm việc phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh.
Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp, phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến NLĐ. Hiện có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và chia làm 3 nhóm bệnh chính: bệnh bụi phổi, bệnh nhiễm độc và nhóm bệnh khác.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các bệnh nghề nghiệp, như ảnh hưởng bởi các yếu tố trong quá trình sản xuất tác động trực tiếp đến NLĐ hay NLĐ làm việc quá lâu, chế độ và cường độ lao động căng thẳng quá mức hoặc do điều kiện vệ sinh và an toàn xung quanh NLĐ không đảm bảo. Bên cạnh đó, bệnh nghề nghiệp còn xảy ra do NLĐ chủ quan, thờ ơ trong việc bảo vệ sức khỏe, trong khi người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, chưa thực hiện đầy đủ các chính sách bảo hộ lao động với NLĐ.
Theo quy định của Nhà nước, NLĐ được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần; riêng NLĐ làm việc nặng nhọc, môi trường làm việc có nhiều yếu tố độc hại được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Nhằm đảm bảo quyền lợi của NLĐ, hàng năm, các ngành, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, công ty, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn cho NLĐ.
Trong đó, công tác tuyên truyền tập trung vào các nội dung: Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, như: thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chế độ bồi dưỡng; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các nguy cơ tiềm ẩn và tác hại của tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với sức khỏe NLĐ và sự phát triển của doanh nghiệp…
Sở Y tế tỉnh và các ngành chức năng thường xuyên phổ biến, hướng dẫn cho người sử dụng lao động và NLĐ về quản lý an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lập kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động; kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng. Các đơn vị, doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc kiểm tra môi trường lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động cho NLĐ.
Để đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khoẻ, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ tại các công ty, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh an toàn lao động; hướng dẫn, tập huấn cho người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện các công tác vệ sinh an toàn lao động, cách chăm sóc sức khỏe, sử dụng bảo hộ lao động phòng bệnh nghề nghiệp; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh lao động, chính sách chăm sóc sức khỏe đối với NLĐ. Bản thân NLĐ cần có kiến thức, biết tự bảo vệ sức khỏe của mình và có yêu cầu chính đáng về các chế độ, bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.
Nguyễn Thu