Trong những năm qua, công tác phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình phòng, ngừa, giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016 - 2020, trong đó triển khai thực hiện thí điểm Mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu LĐTE.
Mô hình này được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện từ năm 2018 đến nay.
Theo đó, mỗi năm Sở tổ chức mở lớp tập huấn tại các huyện Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ cho 100 cán bộ là lãnh đạo UBND các địa phương, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trưởng thôn, đại diện gia đình người chăm sóc trẻ tham gia, giáo viên tại các trường trung học cơ sở.
Đồng thời tổ chức tập huấn cho 70 trẻ em có nguy cơ lao động sớm về những cảnh báo, nguy cơ bị xâm hại, bóc lột khi tham gia lao động; cung cấp kỹ năng, giúp các em có thể tự bảo vệ bản thân.
Ngoài ra, hoạt động của mô hình thực hiện hỗ trợ gia đình trẻ em có nguy cơ lao động sớm vay vốn để tự tạo việc làm phát triển kinh tế…
Thông qua Mô hình hỗ trợ, can thiệp đã góp phần giảm thiểu LĐTE, tác động tích cực nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng LĐTE. Tuy nhiên, các hoạt động mô hình có những hạn chế, chưa được triển khai đến tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh; số người tiếp cận hỗ trợ vay vốn còn ít...
Để tăng cường phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, UBND tỉnh vừa xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và trẻ em có nguy cơ trở thành LĐTE. Phấn đấu giảm tỷ lệ LĐTE và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,9%; 100% trẻ em có nguy cơ, LĐTE và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi.
Trên 90% trẻ em có nguy cơ, LĐTE được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp; 90% cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE; 70% trẻ em được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE; 90% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE.
Để đạt mục tiêu này, Chương trình đưa ra các giải pháp, trong đó tập trung nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động.
Xây dựng và triển khai quy trình, mạng lưới phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp LĐTE và trẻ em có nguy cơ trở thành LĐTE gắn với hệ thống bảo vệ trẻ em. Hỗ trợ LĐTE, trẻ em có nguy cơ trở thành LĐTE và gia đình tiếp cận chính sách, chương trình, dịch vụ giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp.
Triển khai các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE; tăng cường hợp tác với các tổ chức chính trị, xã hội trong nước và tổ chức quốc tế về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE nhằm trao đổi kinh nghiệm, vận động nguồn lực trong nước và quốc tế.
Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, giảm tỉ lệ LĐTE và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi xuống 4,5%; giảm tối đa tỉ lệ LĐTE và người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số LĐTE và người chưa thành niên.
Thu Hiền