Nâng mức trách nhiệm bảo hiểm thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra lên 150 triệu đồng/người/vụ
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 156 điều (sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 3 điều và giữ nguyên 17 điều so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành).
Về các hành vi bị nghiêm cấm, Dự thảo nêu rõ, cấm hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, kinh doanh tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có Giấy phép thành lập và hoạt động; Hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, kinh doanh tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép; Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Dự thảo cũng nghiêm cấm việc thực hiện các hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, như thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm; Xúi giục, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Cũng theo Dự thảo, Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp: Bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm theo quy định tại Luật này;
Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại; Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; Các trường hợp vô hiệu khác theo quy định tại Bộ luật Dân sự.
Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của hợp đồng bảo hiểm vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của hợp đồng.
Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Thẩm tra Dự án luật này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ quy định về bảo hiểm bắt buộc và bắt buộc phải mua bảo hiểm. Hiện nay, có 2 loại bảo hiểm bắt buộc; thuyết minh rõ phạm vi bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, việc đáp ứng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc, có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, tên gọi của sản phẩm bảo hiểm để phù hợp với thực tế, định hướng phát triển thị trường bảo hiểm.
Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với các quy định tại dự thảo Luật, theo đó luật hoá các điều kiện kinh doanh, cấp phép thành lập và hoạt động; hồ sơ thủ tục do Chính phủ hướng dẫn; cơ quan thực hiện cấp phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm là Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, UBKT đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến chủ thể kinh doanh (như điều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, quản trị doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát và kiểm toán nội bộ, các chức danh quan trọng của DNBH…) bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi...
Đối với quy định về phá sản DNBH, DNTBH sau khi áp dụng biện pháp can thiệp, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ tính cần thiết phải có các quy định đặc thù này đối với lĩnh vực bảo hiểm, hạn chế tối đa việc tạo thêm các ngoại lệ so với quy định của Luật Phá sản.
(Theo ANTĐ)