Điển hình như vào ngày 31/8/2021, tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, sau khi ăn uống, một nhóm đối tượng (khoảng 14 người) có lời qua tiếng lại dẫn đến xô xát. Lúc này, Trương Mạnh Thức (sinh năm 1995) có hộ khẩu tại xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, tạm trú tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã cầm dao dồn theo và đâm Nguyễn Văn Ch (sinh năm 1997), trú tại thôn 4, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên khiến Ch tử vong tại chỗ.
Trước đó, vào tối ngày 25/8/2021, trên mạng xã hội đăng tải video hình ảnh về vụ đánh nhau giữa các thanh niên. Trong video, 1 người trong tư thế quỳ liên tục bị đá, đánh vào đầu và 1 thanh niên khác liên tục chửi bới người bị đánh bằng lời lẽ xúc phạm, thách thức.
Qua điều tra, xác minh, Công an huyện Trấn Yên đã triệu tập thanh niên có hành vi đánh đập, chửi bới người khác trong clip đăng tải để điều tra làm rõ. Tại cơ quan chức năng, nam thanh niên có nick face "Trọng Tống" tên thật là Nguyễn Ngọc Hướng sinh năm 2004, ở thôn Châu Giang, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã thừa nhận hành vi vi phạm. Cũng liên quan đến vụ việc tại địa điểm được cho là công viên Đồng Tâm (thành phố Yên Bái).
Một nhóm nữ sinh đã tập trung chửi mắng, dọa nạt, tát liên tiếp vào mặt một nữ sinh khác khiến chảy máu mũi. Quá trình thực hiện hành vi bạo lực, nhóm nữ sinh này còn quay clip dài 7 phút đăng tải lên mạng xã hội Facebook khiến cộng đồng mạng không khỏi bức xúc, lên án hành vi. Công an thành phố Yên Bái đã triệu tập các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm đến cơ quan điều tra để làm rõ.
Không chỉ giết người, cố ý gây thương tích, thời gian gần đây, tình trạng đua xe, lạng lách, đánh võng trong thanh, thiếu niên cũng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, trật tự an toàn giao thông.
Theo thống kê, 9 tháng năm 2021, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện 3 vụ, 21 đối tượng có dấu hiệu đua xe trái phép và 20 trường hợp điều khiển xe mô tô, xe gắn máy bằng một bánh, lạng lách, đánh võng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng công an trong tỉnh đã điều tra, làm rõ 123/131 vụ phạm tội về trật tự xã hội; trong đó, có cả những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ.
Thực trạng trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tội phạm, người vi phạm pháp luật trẻ hóa gia tăng, cần phải có những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Qua điều tra và xét xử các vụ án cho thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật như: sống trong hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, rượu chè, cờ bạc, thiếu sự quan tâm, chăm sóc con cái; công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh chưa thường xuyên, lỏng lẻo; sự tác động của phim ảnh bạo lực, sự bùng nổ của mạng xã hội; công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số địa phương còn chưa thường xuyên, liên tục…
Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Các ngành, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, duy trì và nhân rộng mô hình các câu lạc bộ.
Các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể cần phối hợp với nhà trường đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức cho học sinh; các gia đình cần quan tâm tới sự phát triển tâm sinh lý của con em mình, quản lý, giám sát việc con em sử dụng mạng xã hội, Internet.
Cùng với đó, lực lượng công an trong tỉnh cần chủ động nắm chắc tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên; chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, nhất là trong các hoạt động dịch vụ: game online, karaoke...; tập trung lực lượng tấn công, truy quét tội phạm hình sự; kịp thời điều tra, khám phá nhanh các vụ án, xử lý nghiêm trước pháp luật để giáo dục, răn đe, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm pháp luật do lứa tuổi vị thành niên gây ra.
Hồng Oanh