Đặc biệt, với chủ trương phát triển du lịch thì các nghề như: kỹ thuật nấu ăn, du lịch cộng đồng... đang được huyện chú trọng thực hiện không những phục vụ cho việc phát triển du lịch mà còn đáp ứng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp trung bình mỗi năm khoảng 800 người và riêng năm 2021 là 780 người.
Chị Đàm Thị Hạnh, thôn Nà Khao, xã Yên Thắng bày tỏ: "Khi tham gia lớp học nghề nấu ăn, tôi có thêm nhiều kiến thức ý nghĩa, bổ ích cho bản thân để sau này có thể nội trợ tốt hơn và làm được những công việc lớn như tham gia vào phát triển kinh tế du lịch”.
Có nghề trong tay với thu nhập tốt hơn, nhiều người lao động đã thay đổi tư duy về phát triển kinh tế và chủ động ở lại lập nghiệp tại quê hương. Điển hình như chị Nguyễn Thị Phương ở Tổ dân phố 3, thị trấn Yên Thế. Ngay từ khi còn học trung học phổ thông, chị Phương đã được gia đình định hướng học nghề chăm sóc sắc đẹp. Nhờ siêng năng học hỏi, yêu nghề nên chỉ với 6 năm kinh nghiệm, chị đã tích lũy đủ kỹ năng và vốn để mở cho mình một cơ sở nhỏ. Chị Phương tâm sự: "Với tôi, công việc này là đam mê từ nhỏ và nay được học nghề do Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức, tôi đã có nghề với việc làm ổn định. Tôi thấy rất hạnh phúc!”.
Là địa phương có nguồn lao động dồi dào, huyện Lục Yên luôn đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp trong nước; đồng thời, có những chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đến đầu tư.
Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn huyện đã đào tạo nghề cho gần 2.900 người, chủ yếu là đào tạo nghề dưới 3 tháng. Công tác đào tạo tập trung vào các nghề: kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi; kỹ thuật chăn nuôi cá; kỹ thuật nấu ăn, chăm sóc sắc đẹp… Đa số các học viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và có thêm thu nhập từ chính nghề đã học.
Cùng với đào tạo nghề, công tác hướng nghiệp cho học sinh trong nhà trường cũng được chú trọng để học sinh được định hướng nghề nghiệp ngay từ trong trường học và sau khi tốt nghiệp THPT. Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, hàng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức dạy nghề cho người lao động.
Thông qua các hội, tổ chức, đoàn thể, người lao động được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, con giống, cây giống, vật tư nông nghiệp; được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi... Từ đó, phát triển những mô hình kinh tế có thu nhập cao, bền vững. Ngoài ra, huyện còn chú trọng tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay nhằm duy trì, phát triển nghề truyền thống để vừa giải quyết việc làm tại chỗ vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Bà Hoàng Thị Thủy - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lục Yên cho biết: xác định giải quyết việc làm là tiền đề quan trọng để kinh tế - xã hội của huyện phát triển, thời gian tới, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, huyện Lục Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, nâng cao nhận thức của người dân về công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế gia đình; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương.
Mai Huyên - Khắc Điệp