Yên Bái luôn được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm về mua bán người mà chủ yếu là mua bán người qua biên giới (sang Trung Quốc).
Bám sát sự chỉ đạo của trung ương, tỉnh về công tác phòng, chống mua bán người, là thành viên của Ban Chỉ đạo 138 cấp tỉnh, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống mua bán người gắn với nhiệm vụ của Hội; phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tăng cường tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở trong việc vận động, tuyên truyền và hỗ trợ nạn nhân.
Bên cạnh đó, Hội còn chủ động khai thác các nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước để thực hiện các dự án về phòng, chống mua bán người tại các địa bàn có nhiều nguy cơ, hỗ trợ các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống mua bán người, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội thành lập 407 tổ tự quản của phụ nữ tại cộng đồng, 186 tổ phản ứng nhanh dư luận xã hội.
Đặc biệt là thực hiện Dự án "Hỗ trợ nạn nhân mua bán người vượt qua đại dịch Covid-19” do Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam tài trợ từ năm 2021, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các đơn vị thành lập và tổ chức ra mắt 6 tổ phản ứng nhanh tại 6 xã thực hiện Dự án (Lao Chải, La Pán Tẩn, Nậm Có, huyện Mù Cang Chải; Hát Lừu, Bản Công, Xà Hồ, huyện Trạm Tấu), thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực; hỗ trợ người hưởng lợi; truyền thông nâng cao nhận thức; họp phản hồi định kỳ hàng tháng, hàng quý.
Các thành viên của tổ phản ứng nhanh tại xã gồm đại diện lãnh đạo UBND, công an, công chức văn hóa - xã hội, công chức lao động - thương binh và xã hội, tư pháp, Hội LHPN, Đoàn thanh niên, y tế, trường học, đại diện trưởng thôn, bản…
Mô hình tổ phản ứng nhanh hoạt động nhằm hỗ trợ thúc đẩy sự chủ động và các sáng kiến của các cán bộ địa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bạo lực giới, xâm hại và mua bán người; thành viên có hiểu biết phù hợp về bạo lực giới, xâm hại và mua bán người; thống nhất cách tiếp cận và ứng phó phù hợp trong việc hỗ trợ người thụ hưởng; áp dụng và tăng cường cơ chế phối hợp liên ban, ngành.
Từ khi ra mắt và thành lập đến nay, các tổ phản ứng nhanh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 3 cuộc truyền thông nhóm nhỏ, 5 cuộc truyền thông tại cộng đồng, 8 cuộc truyền thông tại trường học trên địa bàn huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải, tổ chức 72 buổi tuyên truyền qua loa phát thanh tại các xã Dự án bằng 2 thứ tiếng phổ thông và tiếng địa phương (tiếng Mông).
Thông qua các hoạt động truyền thông nhằm giúp cho người dân vùng sâu, vùng xa và các đối tượng mà có nguy cơ dễ bị tổn thương nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận biết được phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện. Từ đó, giúp mọi người dân không là nạn nhân của nạn mua bán người.
Đồng thời, các tổ phản ứng nhanh cũng đã tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch và trực tiếp hỗ trợ 11 thân chủ (là nạn nhân mua bán người và nghi là nạn nhân) các nhu yếu phẩm cần thiết, con giống, vật liệu xây dựng chuồng trại chăn nuôi; trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng… với tổng trị giá trên 140 triệu đồng.
Thời gian tới, các tổ phản ứng nhanh tại Trạm Tấu, Mù Cang Chải sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông tại cộng đồng, tổ chức các buổi tuyên truyền qua loa phát thanh, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực và tiếp tục hỗ trợ các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng thời, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lồng ghép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người, xuất cảnh trái phép, nhất là tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm cho cán bộ, chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các cấp Hội cũng chú trọng tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức trong công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, mua bán người. Trong đó, tập trung các nội dung bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Mặt khác, chủ động khai thác, vận động nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ, các nhà hảo tâm hỗ trợ các hoạt động phòng, chống mua bán người tại địa phương, đặc biệt là hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Thu Hạnh