Thời điểm này, Yên Bái đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu vitamin A, thiếu i-ốt và giảm đáng kể tình trạng thiếu máu dinh dưỡng. Tỷ lệ trẻ 6 - 60 tháng tuổi được uống vitamin A luôn duy trì trên 99,5%, ổn định cung cấp muối i-ốt trên 95% hộ gia đình, tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8 - 10 tuổi dưới 5%...
Để đạt được kết quả đó, Yên Bái đã đẩy mạnh công tác truyền thông, giám sát, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, thực hiện tiêm chủng, cân, đo cho trẻ dưới 5 tuổi thường xuyên, đầy đủ, bổ sung vitamin A và tẩy giun cho trẻ 2 đợt/năm, giám sát kịp thời các bệnh truyền nhiễm trẻ em, tuyên truyền phổ biến kiến thức dinh dưỡng, lợi ích của công tác tiêm chủng bà mẹ, trẻ em, tập huấn quản lý lồng ghép, điều trị trẻ SDD và phát hiện thừa cân, béo phì cho cán bộ y tế tại các bệnh viện các tuyến, cán bộ của các trung tâm y tế và một số xã, phường...
Tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ, tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em. Cụ thể, Dự án "Thúc đẩy các giải pháp thay thế nhằm cải thiện dinh dưỡng trẻ em và an ninh lương thực cho những người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Nhật Bản tài trợ được triển khai tại 9 xã huyện Văn Chấn, theo đó thành lập 94 trung tâm giáo dục phục hồi dinh dưỡng tại các thôn; cấp các sản phẩm phục hồi dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng (SDD); cung cấp con giống, cây giống và tập huấn kỹ thuật cho các hộ để hỗ trợ phát triển vườn dinh dưỡng hộ gia đình nhằm đảm bảo nguồn lương thực sẵn có tại gia đình.
Chương trình Phát triển vùng do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam tài trợ được triển khai tại 33 xã của 6 huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên; trong đó, có mục tiêu cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em trong vùng dự án...
Dự án "Lồng ghép cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tại khu vực miền núi phía Bắc” do Tổ chức SC tài trợ tại 4 xã huyện Trạm Tấu và 6 xã huyện Mù Cang Chải, đối tượng hưởng lợi là phụ nữ có thai và trẻ dưới 2 tuổi.
Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ SDD cân nặng và chiều cao giảm rõ rệt qua từng năm.
Cụ thể: tỷ lệ SDD cân nặng/tuổi ở trẻ dưới 5 tuổi từ 21,2% năm 2011 giảm còn 15,6% năm 2021 và tỷ lệ SDD chiều cao/tuổi ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 32,5% năm 2011 xuống còn 24% năm 2021. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ SDD trẻ dưới 5 tuổi cân nặng/tuổi giảm đáng kể còn 14,73%; tỷ lệ SDD trẻ dưới 5 tuổi chiều cao/tuổi còn 23,03%.
Những năm gần đây, tuy tỷ lệ SDD ở trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh giảm bền vững nhưng tỷ lệ SDD thể thấp còi còn cao so mặt bằng chung toàn quốc, mặt khác đang có xu hướng gia tăng các bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng bởi một số nơi chính quyền cơ sở chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Cán bộ chuyên trách dinh dưỡng tuyến huyện, xã còn phải kiêm nhiệm nhiều chương trình nên một số cán bộ chưa thực sự chuyên tâm vào triển khai các hoạt động dinh dưỡng; nhận thức, hiểu biết của một số bộ phận người dân về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng còn hạn chế nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kinh phí, vật tư, trang thiết bị đầu tư cho dinh dưỡng còn hạn chế, chưa đảm bảo cho các hoạt động triển khai tại tuyến tỉnh xuống cơ sở...
Do đó, công tác phòng, chống SDD phải có sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về chăm sóc phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ tại cộng đồng, nhất là tại vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn.
Để trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ, thời gian tới, ngành y tế rất cần sự chung tay hơn nữa của các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Có như vậy, công tác phòng, chống SDD trẻ em trên địa bàn tỉnh mới đạt hiệu quả bền vững.
Trần Minh