Trước thực trạng đó, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển và hạn chế đơn thư khiếu kiện, khiếu nại trái quy định của pháp luật, huyện Trạm Tấu đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL).
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện; phát tờ rơi, tờ gấp (biên dịch ra các tiếng Mông, Thái); lồng ghép vào các buổi họp thôn, tổ dân phố, đội ngũ tuyên truyền viên, cán bộ cơ sở còn tuyên truyền trực tiếp đến từng nhóm hộ gia đình.
Nội dung tuyên truyền không chỉ bao gồm những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như: phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống xuất cảnh trái phép; phòng, chống buôn bán người; phòng, chống ma túy; phòng, chống cháy rừng; Luật Đất đai… mà còn cả những vấn đề mang tính "thời sự” địa phương và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giáo dục, đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Cùng với đó, huyện đã triển khai áp dụng 23 mô hình PBGDPL tại các xã, thị trấn, trong đó có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, điển hình như: Mô hình "Câu lạc bộ phụ nữ với kiến thức pháp luật” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chủ trì; Mô hình "Thanh niên nói không với vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” do Huyện đoàn thanh niên chủ trì; Mô hình "Xã không có thanh niên nghiện ma túy” ở xã Bản Công; Mô hình "3 không” (không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không xuất cảnh trái phép) tại các xã: Hát Lừu, Bản Công, Phình Hồ, Tà Xi Láng, Bản Mù, Trạm Tấu.
Để công tác tuyên truyền PBGDPL ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu, huyện Trạm Tấu thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL từ huyện tới cơ sở với 24 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 179 tuyên truyền viên cấp xã. Huyện đã thành lập được 12 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý với 140 thành viên; 2 câu lạc bộ pháp luật với 10 thành viên; 60 tổ hòa giải với 282 tổ viên.
Trong 10 năm qua, các cơ quan, đơn vị, báo cáo viên pháp luật và đội ngũ tuyên truyền viên các xã, thị trấn đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến được 2.954 buổi, thu hút hơn 249 lượt người tham gia. Huyện đã tổ chức phát động 75 cuộc thi có nội dung liên quan đến tuyên truyền PBGDPL với 145.400 người tham gia tìm hiểu.
Toàn huyện đã xây dựng được 100 tủ sách pháp luật đặt tại các cơ quan, đơn vị, trường học, bưu điện văn hóa xã, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân tìm hiểu, nghiên cứu các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là các luật và bộ luật mới ban hành.
Nhằm tiếp tục nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho nhân dân trên địa bàn, thời gian tới, huyện Trạm Tấu sẽ tập trung phân loại các nhóm đối tượng để đưa ra hình thức tuyên truyền phù hợp; lựa chọn nội dung tuyên truyền dựa trên nhu cầu thực tế của nhân dân; lồng ghép tuyên truyền các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, cải thiện cuộc sống. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền PBGDPL; xây dựng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động PBGDPL; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có biện pháp chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền PBGDPL phù hợp.
Hồng Oanh