NGUYÊN NHÂN LY HÔN CHỦ YẾU DO MÂU THUẪN GIA ĐÌNH
Tính trung bình 1 năm có 1.600 vụ việc ly hôn, 1 tháng có trên 133 vụ việc, 1 ngày có gần 45 vụ việc ly hôn là những con số được thống kê liên quan tới vấn đề ly hôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Ông Phạm Hồng Quân - Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái cho thấy cái nhìn rõ nét hơn về thực trạng vấn đề ly hôn hiện nay và khó khăn trong việc giải quyết các vụ, việc án ly hôn hiện nay của cơ quan chức năng.
- Xin ông cho biết thực trạng các vụ, việc ly hôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay?
Ông Phạm Hồng Quân: Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và khoa học - công nghệ, sự thay đổi của lối sống hiện đại dẫn đến số các vụ ly hôn ngày càng tăng, nhiều vụ ly hôn phức tạp, số tài sản phải giải quyết lớn, thời gian giải quyết kéo dài, số vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài cũng ngày càng tăng.
Theo thống kê của TAND tỉnh, 4 năm qua (từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2021), TAND hai cấp tỉnh Yên Bái đã thụ lý 8.929 vụ, việc ly hôn; giải quyết 8.717 vụ, việc. Trong đó, số vụ Tòa án hòa giải thành vợ chồng về đoàn tụ là 886; số Tòa án giải quyết cho ly hôn và công nhận thuận tình ly hôn là 6.368 vụ.
Về nguyên nhân ly hôn, trong số các vụ án ly hôn phải giải quyết thì nguyên nhân dẫn đến vợ chồng xin ly hôn do mâu thuẫn gia đình là 6.777 vụ, bạo lực gia đình 233 vụ… Qua đó cho thấy, nguyên nhân chủ yếu trong các vụ án ly hôn là do mâu thuẫn gia đình.
Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân dẫn đến ly hôn hiện nay chủ yếu là do sự trình bày của các bên đương sự, có nhiều trường hợp các đương sự không hợp tác hoặc vì lý do nào đó không trình bày chính xác về nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trầm trọng của vợ chồng.
- Ông đánh giá như thế nào về công tác hòa giải của Tòa án trong các vụ án ly hôn?
Ông Phạm Hồng Quân: Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi ly hôn không bắt buộc phải hòa giải ở cơ sở mà chỉ khuyến khích các bên thực hiện hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Sau khi nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án, Tòa án bắt buộc phải tiến hành hòa giải.
Qua số liệu thống kê cho thấy trong thời gian qua, Tòa án đã đẩy mạnh công tác hòa giải tại tòa án nên số việc hòa giải thành trong giải quyết các vụ án ly hôn cũng tăng, giúp cho các cặp vợ chồng vẫn còn tình cảm với nhau có thể đoàn tụ, rút đơn và Tòa án ra quyết định đình chỉ xét xử vụ án, tránh tốn kém, lãng phí cho gia đình và xã hội.
- Tòa án thường gặp những khó khăn gì trong giải quyết vụ, việc ly hôn, thưa ông?
Ông Phạm Hồng Quân: Theo quy định của pháp luật hiện hành, ngoài các trường hợp vợ chồng thật sự tự nguyện ly hôn hoặc do một bên bị Tòa án tuyên bố mất tích thì trong các trường hợp một bên xin ly hôn hoặc yêu cầu ly hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình, căn cứ Tòa án giải quyết ly hôn là có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại Khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Thực tiễn thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh Yên Bái đã áp dụng các quy định của pháp luật về giải quyết ly hôn cơ bản theo đúng trình tự, thủ tục, đúng quy định, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về giải quyết ly hôn cũng đặt ra một số vấn đề như: chưa có hướng dẫn cụ thể về xác định tình trạng hôn nhân trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được. Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ly thân, nhiều trường hợp bỏ mặc con cái không chăm sóc.
Tuy nhiên, chưa có quy định về ly thân và trách nhiệm của vợ, chồng trong thời gian ly thân nên việc bảo vệ quyền lợi của con và các bên liên quan còn khó khăn, bất cập.
Việc giải quyết ly hôn thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự nên việc giải quyết thực hiện trên cơ sở chứng cứ do các bên đương sự cung cấp. Thực tế cho thấy có các vụ án phức tạp và đương sự không hợp tác dẫn đến việc thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian giải quyết.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền và lợi ích của con từ đủ 7 tuổi trở lên khi bố mẹ ly hôn cũng có những bất cập, vì phải xem xét đến nguyện vọng của con, nhưng không phải là căn cứ bắt buộc dẫn đến tranh giành việc nuôi con hoặc giao con cho người mà con không có nguyện vọng được ở cùng.
Thực trạng ngày càng nhiều vụ ly hôn phức tạp đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hôn nhân, gia đình và đòi hỏi các cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ luật sư, tư vấn pháp luật phải nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng để giải quyết các vụ ly hôn.
- Vậy theo ông, cần có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả giải quyết vụ, việc ly hôn?
Ông Phạm Hồng Quân: Để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên và của con cái trong các vụ án ly hôn, chúng tôi đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả giải quyết ly hôn.
Một là, hoàn thiện các quy định của pháp luật về giải quyết ly hôn, như bổ sung quy định hướng dẫn về xác định tình trạng hôn nhân trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được; các quy định về ly thân, bảo vệ con cái sau khi ly hôn; nghiên cứu các điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài về giải quyết ly hôn để hoàn thiện pháp luật Việt Nam, đặc biệt là các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Hai là, nâng cao hiệu quả giải quyết ly hôn thông qua việc nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở đối với các vụ ly hôn với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, vai trò của gia đình trong phát triển kinh tế - xã hội và việc giữ gìn hạnh phúc gia đình; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Ba là, thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng của cán bộ tòa án trong giải quyết các vụ án ly hôn, đặc biệt là kỹ năng hòa giải tại Tòa án nhằm tăng tỷ lệ hòa giải thành.
Bốn là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng của đội ngũ luật sư, tư vấn pháp luật để tham gia giải quyết các vụ ly hôn hiệu quả, nhất là các vụ lớn, phức tạp, có yếu tố nước ngoài.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
HÃY YÊU THƯƠNG, TÔN TRỌNG, LẮNG NGHE, THẤU HIỂU!
Đối với nhiều bậc cha mẹ, ly hôn là cách để giải phóng hai người đối với cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Thế nhưng, đối với trẻ em, đó lại là những mất mát, tổn thương không hề nhỏ cả về tinh thần và vật chất. Đằng sau những cuộc ly hôn, có những nỗi đau, những cái kết thật đáng buồn mà người lớn đôi khi không thể nào lường trước được…
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái tổ chức giao lưu mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam năm 2022.
N.T.T. ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái năm nay 14 tuổi nhưng em đã bỏ học hai năm và hàng ngày chỉ ở nhà "làm thân” với chiếc điện thoại và ti vi. Nguyên nhân của sự việc này bắt nguồn từ khi bố mẹ em ly hôn.
Bà nội em cho biết: "Trước đây, T. là đứa trẻ rất vô tư, hồn nhiên, hay cười nói và ham học. Song, kể từ khi bố mẹ ly hôn, T. bắt đầu sống trong mặc cảm và không còn muốn đến trường. Thầy cô, bạn bè, người thân, hàng xóm thường xuyên động viên, khích lệ em đi học, song T. vẫn nhất quyết từ chối”.
Quả thực, với những ai được chứng kiến cuộc sống của T. sẽ thấy thương em rất nhiều. Hiện tại, mẹ của T. đã kết hôn lần 2 và sinh sống ở một nơi xa. Có thể thấy, những tổn thương, mất mát, thiếu thốn về mặt tinh thần đã khiến T. không còn vô tư như bao đứa trẻ khác.
"Ly hôn không có nghĩa là chấm dứt mọi thứ. Không có nghĩa là không còn trách nhiệm với con cái. Bố của cháu đã vậy nên tôi chỉ mong mẹ cháu thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm, động viên cháu để cháu đỡ buồn và có thêm niềm tin vào cuộc sống” - bà nội của T. ước ao.
Thực tế, ly hôn là cú sốc rất lớn đối với trẻ, nhất là đối với những trẻ chưa đến tuổi trưởng thành, chưa hình thành nhân cách. Việc thiếu thốn tình yêu thương của cha, mẹ hoặc cả hai đã khiến cho rất nhiều đứa trẻ bị tổn thương, trở nên thất vọng, chán nản với cuộc sống. Từ đó, dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội, học hành sa sút và phải lao động, kiếm sống sớm.
Tại Yên Bái, tỷ lệ án hôn nhân những năm gần đây tương đối cao mà thành phố Yên Bái là một ví dụ. Năm 2020, Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái thụ lý giải quyết 438 vụ án ly hôn; năm 2021 thụ lý 367 vụ; từ đầu năm 2022 đến nay, thụ lý giải quyết 295 vụ.
Theo Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái Tạ Thị Kim Anh - người trực tiếp giải quyết, xét xử gần 100 vụ án về hôn nhân gia đình, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, song 90% là do mẫu thuẫn gia đình (tính tình vợ chồng không hòa hợp, bất đồng quan điểm sống, khó khăn về kinh tế...), còn lại là do nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc, bạo lực gia đình, ngoại tình, bệnh tật...
"Quá trình giải quyết các vụ việc, chúng tôi luôn chú trọng tới công tác hòa giải với mong muốn những đứa trẻ luôn được sống trong tình yêu thương trọn vẹn của gia đình với đầy đủ cả cha và mẹ. Chúng tôi mong rằng, trước khi ai đó đặt chân đến Tòa án để chấm dứt một cuộc hôn nhân, hãy luôn cân nhắc thật kỹ để sau này không phải tiếc nuối, xót xa vì quyết định của mình” - Thẩm phán Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái Tạ Thị Kim Anh cho biết.
Chị N.T. L ở thành phố Yên Bái chia sẻ: "Sau hơn một tháng ly hôn, tôi đã sống như một cái xác không hồn vì nhớ con, nhớ gia đình, nhớ những ngày cả nhà đầm ấm bên nhau. Tiếng gào khóc của con ngày tôi xách va ly ra khỏi nhà khiến tôi day dứt khôn nguôi. Do đó, tôi đã quyết định nói chuyện lại với chồng và hiện tại chúng tôi đã cùng nhau xây đắp, "làm lại từ đầu” để có được cuộc sống hạnh phúc như hôm nay”.
Để có cuộc sống hôn nhân bền vững, để không còn có những đứa trẻ phải buồn tủi vì cha mẹ ly hôn, mỗi cặp vợ chồng hãy nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình hạnh phúc.
Hãy yêu thương, tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu nhau! Khi có mâu thuẫn, xung đột xảy ra cần bình tĩnh, khéo léo giải quyết các vấn đề, mỗi người nên tự biết điều chỉnh, bỏ bớt cái "tôi” cá nhân để có trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội. Trong trường hợp khi cả vợ và chồng không còn cảm giác yêu thương hay không thể dung hòa cuộc sống với nhau thì ly hôn là điều không tránh khỏi.
Tuy nhiên, để giảm thiểu sự tổn thương cho con cái, theo các chuyên gia tâm lý, trước khi ly hôn, các bậc cha mẹ nên thẳng thắn cho con biết tình trạng chia xa của bố mẹ; hỏi ý kiến của con muốn sống với ai và tuyệt đối tôn trọng quyết định ấy.
Cùng với đó, người không trực tiếp nuôi dưỡng con phải thường xuyên tới thăm và chu cấp đầy đủ cho con; để ý hơn đến những mối quan hệ xã hội của con ở trường, ở nhà... để có sự can thiệp kịp thời trước những hành động, lời lẽ gây tổn thương cho con khi bố mẹ chia tay.
Theo số liệu thống kê, hiện nay, số vụ ly hôn ở Việt Nam ở mức 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%. Nghĩa là, cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì có một cặp ly hôn.
|
Thu Hạnh - Mai Linh - Hồng Oanh