Phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc những năm qua đã được chị em phụ nữ ở tỉnh Yên Bái hưởng ứng mạnh mẽ. Từ đây, nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ xuất hiện ngày càng nhiều; nhiều mô hình trong đó đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.
Những ngày này, chị Ngô Thị Thuận ở thôn Cửa Hốc, xã An Lạc, huyện Lục Yên (Yên Bái) đang cùng các lao động của mình tất bật chăm sóc cho vườn ươm quế giống với số lượng cả triệu cây để phục vụ cho vụ trồng mới (vụ đông xuân 2022-2023). Như nhiều đôi vợ chồng trẻ khác ở nông thôn, ngày ra ở riêng, vợ chồng chị chỉ có đôi bàn tay trắng.
Qua một thời gian làm nhiều công việc khác nhau, vợ chồng chị nhận thấy làm vườn ươm cây giống là phù hợp nhất, nên dịp sau tết năm 2010, anh chị quyết định lập nghiệp bằng công việc này. Ban đầu đồng vốn ít ỏi, 20 kg phân còn phải nợ, nên vợ chồng chỉ làm giống keo, bồ đề nhỏ lẻ. Đến năm 2016, khi số vốn tích luỹ đã được kha khá, vợ chồng chị quyết định chuyển sang làm quế giống là chủ yếu, với 5 vườn ươm, mỗi vườn trên 30 vạn cây con/năm. Nhờ chịu khó học hỏi, lấy chất lượng làm gốc, sau vài năm, quế và các loại cây giống trong vườn ươm của gia đình được đánh giá cao, nhiều người biết đến, tin trồng.
Hiện mỗi năm, gia đình cung cấp khoảng hơn 1 triệu cây giống các loại cho người dân trong và ngoài tỉnh, mang về khoản thu nhập khoảng từ 250 đến 300 triệu đồng sau trừ chi phí. Vườn ươm của chị cũng đã tạo việc làm cho nhiều chị em trong thôn; là địa chỉ tin cậy cho nhiều chị em đến học hỏi.
Chị Thuận chia sẻ: "Trước tiên phải chọn đất tốt, sàng thành đất mịn mới đóng bầu, xử lý hạt, ủ hạt lên mầm rồi mới cho người tra xuống bầu, tưới tắm đều cây sẽ phát triển đẹp. Đến thời kỳ sâu bệnh phải biết được để xử lý kịp thời. Đến tuổi bán chỉ cần treo biển ở các vườn khách sẽ tự gọi hỏi mua. Do cũng làm ăn được, chị em nào cần học hỏi tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm"
Gia đình chị Lương Thị Ánh, dân tộc Tày, cùng ở thôn Cửa Hốc, xã An Lạc ban đầu cuộc sống rất khó khăn. Quá trình đầu tư để phát triển kinh tế, gia đình chị cũng gặp nhiều vấn đề như: Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu đầu ra tiêu thụ sản phẩm, hay dịch bệnh…
Sau khi tìm hiểu các mô hình mới, gia đình đã quyết định đầu tư phát triển nuôi chim trĩ, đây là loài chim có nhiều ưu điểm so với việc chăn nuôi các loại gia cầm khác.
Từ những đôi giống ban đầu, giờ đây gia đình chị đã có khoảng 500 con chim trĩ/lứa; vừa cung cấp giống, vừa bán chim thịt cho người dân trong vùng với giá 600.000/1 đôi chim giống và từ 170.000 - 200.000/1kg chim thịt.
"Tôi nuôi con này thấy dễ hơn nhiều loài khác. Nó đẻ trứng cũng nhiều, ăn ít hơn, chắc thịt và nhiều thịt hơn so với gà. Khi đem đi bán cũng nhanh hơn, mà người ta biết rồi còn tự tìm đến tận nhà mua" - chị Lương Thị Ánh bày tỏ.
Đây chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình kinh tế do chị em phụ nữ ở An Lạc làm chủ đã và đang phát huy hiệu quả.
Bà Vũ Thị Hồng Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã An Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, toàn xã hiện có hơn 500 hội viên phụ nữ, trong đó có gần 30 mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ đã và đang phát huy hiệu quả cao như: Vườn ươm cây giống, trồng cây dược liệu, cây măng mai, nuôi chim, kinh tế tổng hợp vườn-ao-chuồng…từ đó đời sống vật chất, tinh thần của chị em ngày càng được nâng lên.
Theo bà Duyên: "Đối với công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trong thời gian tới, chúng tôi sẽ vừa động viên khích lệ để làm, vừa tìm các nguồn lực hỗ trợ, như: Cần vốn thì sẽ thông qua kênh Ngân hàng Chính sách hoặc quỹ hội gây dựng; đối với những chị em cần học hỏi kinh nghiệm thì Hội sẽ tìm các kênh để hỗ trợ khoa học kỹ thuật, quảng bá, tìm đầu ra sản phẩm...".
Hiện nay ở Yên Bái ngoài hỗ trợ, giúp đỡ, động viên chị em phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, các cấp Hội cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tâm lý, xây dựng gia đình bình đẳng, phụ nữ hiện đại… làm sao để mỗi chị em đều là một phụ nữ hạnh phúc trong gia đình, vì như vậy kinh tế sẽ càng phát triển ổn định và bền vững.
(Theo VOV)