Với ông bà Nguyễn Văn Kha ở tổ 4, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, khu tái hiện tết xưa tại Bảo tàng tỉnh luôn là điểm đến đầu xuân đã hai mùa tết nay.
Ông Nguyễn Văn Kha chia sẻ: "Đến đây, chúng tôi được sống lại tết xưa, những kỷ niệm về một thời khó khăn cơm áo nhưng tết vẫn đủ đầy tiếng cười và niềm hạnh phúc, là hương pháo bay trong gió hòa quyện lẫn trong hương nếp xôi. Tới đây, chúng tôi chụp vài bức ảnh, cùng ngồi bên những đồ vật biểu trưng cho cả một giai đoạn lịch sử, cùng biết ơn những thành tựu của cuộc sống hôm nay”.
Bảo tàng tỉnh đã trở thành điểm đến ý nghĩa của người dân Yên Bái, những người con xa quê lâu ngày trở về mỗi dịp tết cổ truyền. Để chuẩn bị phục vụ nhân dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, giải trí xuyên suốt trước, trong và sau tết như: "Trưng bày, triển lãm, trình diễn văn hóa dân tộc”; "Hội báo xuân và trưng bày sách, ấn phẩm, hình ảnh quảng bá sản phẩm du lịch” của tỉnh; "Trưng bày tranh cổ động, tranh nghệ thuật với chủ đề "Yên Bái - Chào năm mới Quý Mão 2023”; trưng bày chuyên đề "Tết Việt”, không gian chợ tết vùng cao, các làng nghề truyền thống...
Anh Trần Thành Đông ở phường Hồng Hà chia sẻ: "Tuy xa quê nhưng năm nào tôi cũng trở về Yên Bái ăn tết với bố mẹ. Mỗi lần về là một lần thấy quê hương đổi mới. Làm ra cả một không gian đẹp như này mà không thu vé vào cửa. Rồi cả một phòng tranh lớn với các tác phẩm hội họa nghệ thuật của các họa sĩ được trưng bày chuyên nghiệp đẹp đẽ như vậy cũng mở cửa miễn phí, những khu tái hiện làng nghề truyền thống, gói bánh chưng tết... tất cả đều miễn phí. Đặc biệt, cán bộ, nhân viên Bảo tàng thì nhiệt tình hướng dẫn... làm cho ai cũng thấy hài lòng!”.
Liền kề với Bảo tàng tỉnh là Thư viện tỉnh cũng mở cửa xuyên tết phục vụ bạn đọc với nhiều hoạt động thu hút. Những kệ sách trưng bày đẹp mắt, nhất là sách cho thiếu nhi, rồi những khu tô tượng miễn phí... Những đứa trẻ đến đây xa những thiết bị thông minh, gần hơn với thiên nhiên và sự kiên nhẫn cần có.
Không chỉ có những nơi tham quan, vui chơi mà tại các địa phương trong tỉnh đều tổ chức các chương trình văn nghệ chào xuân vui tươi phấn khởi. Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh là đơn vị nòng cốt trong tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị rất chu đáo và xây dựng thành công các chương trình văn nghệ chào xuân.
Bà Đỗ Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh cho biết: "Chúng tôi bám sát kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xây dựng chương trình, tiết mục nghệ thuật đặc sắc, lựa chọn nội dung phim ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mùa xuân, quê hương, đất nước phong phú về nội dung và hình thức, có trọng tâm, thiết thực, tiết kiệm, an toàn, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan để trưng tập diễn viên và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt tại Quảng trường 19/8 và tại Bảo tàng tỉnh, phát huy văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh”.
Các chương trình nghệ thuật đã thu hút đông đảo người dân đến xem. Bạn Hoàng Sơn - sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ ngay sau màn bắn pháo hoa tại Trung tâm Km 5 tỉnh: "Đêm giao thừa được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc biệt, được ngắm những chùm pháo hoa mãn nhãn thì còn gì tuyệt vời hơn. Đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được quan tâm bên cạnh sự phát triển của kinh tế, tạo sự hài lòng cho người dân”.
Hàng tối, từ 19h30’ từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 tết, còn có các chương trình trình diễn văn hóa dân tộc tại Bảo tàng tỉnh, các chương trình văn nghệ tại Quảng trường 19/8... Cùng với đó, là các hoạt động tuyên truyền lưu động; chiếu phim lưu động tại Bảo tàng tỉnh và phục vụ nhân dân các địa phương.
Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra khắp các địa phương trong tỉnh là món ăn tinh thần góp phần làm nên một tết Nguyên đán ý nghĩa, vui tươi đủ đầy cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Thanh Ba