Chặn đứng bước tiến công của địch
Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc nổ súng tấn công vào 6 tỉnh biên giới nước ta. Ông Phạm Tiến - Cựu chiến binh Trung đoàn 121, Sư đoàn 345 nhớ lại: "Trên hướng Hoàng Liên Sơn, quân ta có Sư đoàn 316 đảm nhiệm trên hướng Phong Thổ - Bình Lư, Ô Quý Hồ - Sa Pa và Sư đoàn 345 đảm nhiệm từ thị xã Lào Cai sang đường 7, còn lực lượng ngăn chặn quân địch từ tuyến đầu là lực lượng của Bộ CHQS Hoàng Liên Sơn và lực lượng công an, dân quân tự vệ địa phương”.
Ông Tiến được tham gia các trận địa phòng ngự, ngăn chặn địch gồm: Tiểu đoàn 4 phối hợp với lực lượng Bộ CHQS tỉnh Hoàng Liên Sơn chốt giữ điểm cao 368, Tiểu đoàn 5 phòng ngự ở dãy Nhạc Sơn và Tiểu đoàn 6 chốt giữ tuyến hai từ cầu số 4 Kim Tân đến khu vực đoàn địa chất 304 và điểm cao gần cầu treo Cốc San.
Với ưu thế về quân số, hỏa lực và yếu tố bất ngờ nên hầu như các chốt tiền tiêu sát bờ sông Hồng của ta đều bị quân địch đánh chiếm. 4 giờ 30 chiều ngày 18/2, do lực lượng của ta quá mỏng, ta phải rút, địch đã chiếm được điểm cao 368 và dãy Nhạc Sơn. Trên hướng chính diện chỉ còn Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 121 chốt giữ cầu số 4 Kim Tân đánh nhau với địch cho đến ngày 23/2, địch chiếm được tuyến phòng ngự. Đến ngày 25/2, địch chiếm được thị xã Cam Đường.
Từ ngày 26/2, các hướng tấn công của địch bị chặn đứng hoàn toàn ở khu vực Bến Đền, Ngòi Bo cách thị xã Lào Cao 20 km khi đối mặt với trận địa phòng ngự vững chắc của quân ta. "Thuận lợi là quân ta thường ở vị trí đồi cao hoặc đã có trận địa phòng ngự từ trước nên quân địch khó tấn công hơn.
Như vậy, tại mặt trận biên giới ở thị xã Lào Cai kể từ ngày 16/2 đến ngày ngày 23/2, quân địch chỉ tiến được 4 km đến khu vực cầu số 4 Kim Tân. Khi tiến đến Cam Đường, quân địch đã hoàn toàn bị chặn đứng bởi sự kháng cự quyết liệt của quân và dân ta” - ông Tiến hào hứng chia sẻ về chiến công ngăn chặn bước tiến của quân địch.
Cựu chiến binh Phạm Tiến hạnh phúc bên hai người con nuôi.
Hai đứa con nuôi
Theo lời kể của cựu chiến binh Phạm Tiến, sau hai ngày đêm chiến đấu quyết liệt tại thị xã Lào Cai, Trung đoàn 121, Sư đoàn 345 được lệnh lui về khu vực Ngòi Bo, Bến Đền để hình thành thế trận phòng thủ. Ông Tiến khi ấy là Trợ lý Quân lực của Trung đoàn được giao thêm nhiệm vụ tiếp nhận và bảo vệ hai cháu nhỏ được Tiểu đoàn 6 cứu giúp, gửi lên Trung đoàn.
Đó là cháu Trần Thị Thu Thủy 10 tuổi cùng em trai là Trần Công Tuấn 8 tuổi được cứu trong một trận pháo kích của quân địch ngày 18/2 tại thị xã Lào Cai. Bố cháu đã bị sát hại, mẹ là Nguyễn Thị Sinh bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu.
Nhìn hai đứa trẻ đầu tóc rối mù, co ro trong cái rét cắt da, cắt thịt mỗi lần pháo địch bắn điên cuồng hai đứa nhỏ lại khóc ré lên, ông liền ôm chặt chúng vào lòng. Những ngày sau đó, hai cháu được các cả Trung đoàn chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ.
Đến bữa, bộ đội chủ yếu ăn hạt bo bo hầm, nắm bột mì luộc, sắn tươi và cá khô còn hai cháu được ăn cơm là nhờ chút gạo của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn gửi cho. Đến cuối tháng 2/1979, ông Tiến về làm Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 nên phải bàn giao hai cháu cho Công an huyện Bảo Thắng.
Trước lúc chia tay, ông lại vận động anh em trong Trung đoàn bộ quyên góp tiền, quần áo, sách vở và một chiếc ba lô... cho hai cháu. Lúc bàn giao, hai đứa trẻ càng bịn rịn, khóc toáng lên và nắm chặt tay ông Tiến không muốn rời.
Tiếng khóc nghẹn cùng câu nói: "Bác cho chị em cháu ở lại với các bác, các chú. Bố mẹ cháu mất cả rồi, biết nương tựa vào ai?” của bé Thủy lúc chia tay cứ đau đáu trong lòng ông, mãi đến khi nghe tin chị Nguyễn Thị Sinh - mẹ của hai cháu tìm các con trên Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn thì ông Tiến mới thực sự an tâm. Năm 1987, khi ông Tiến đang làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Yên Bái, cháu Thủy đang học ở Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Yên Bái còn Tuấn đã học xong cấp II.
Ông đã trao đổi với vợ con, gia đình để nhận hai chị em Thủy và Tuấn làm con nuôi. Nhớ lại ngày đó ông Tiến nghẹn ngào: "Trong bữa cơm hôm đó, nhìn cái Thủy xới cơm cho mẹ tôi, tôi bỗng nhớ có một lần mấy bố con dọn cơm ra, nồi cơm toàn độn sắn; khi xới cơm cho tôi nó nhặt hết sắn vào bát nó. Tôi hỏi: "Sao con làm thế? Nó chậm rãi trả lời: "Bố ở bộ đội, ăn sắn nhiều rồi, bây giờ để sắn cho con ăn!”. Tôi nghẹn lại không nói được lời nào...”.
"Gia đình tôi đứng ra lo cho các cháu từ học tập, việc làm, cưới hỏi. Thủy và Tuấn đã có gia đình yên ấm, hạnh phúc và thường xuyên ghé thăm gia đình tôi mỗi dịp lễ, tết... Vợ chồng tôi đã trên dưới 70 tuổi vẫn luôn tự hào, hạnh phúc với bảy người con và 13 đứa cháu” - ông Tiến tự hào kết thúc câu chuyện về đời lính, gia đình với chúng tôi trong niềm hạnh phúc, sum vầy như vậy.
Hoài Văn