Công tác DS-KHHGĐ là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Do vậy trong thời gian qua, Yên Bái đã tạo được những đột phá mới, nhất là có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Từ tỉnh đến huyện, xã, từng tổ, thôn xóm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ.
Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo đã thực hiện tốt cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác dân số, đặc biệt trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Các hoạt động truyền thông được thực hiện, truyền tải với nhiều hình thức, phong phú, đa dạng mang lại hiệu quả cao.
Ngoài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng xã hội như Zalo, Facebook, trong năm 2022, ngành dân số, các địa phương còn tổ chức 727 hội nghị truyền thông chuyên đề với trên 15.000 người tham gia, 364 cuộc truyền thông lồng ghép với trên 10.000 người tham gia, sinh hoạt câu lạc bộ 790 cuộc với 13.000 người tham gia, 51 buổi sinh hoạt ngoại khóa cho trên 17.500 học sinh, tư vấn tại hộ gia đình cho 20.200 hộ; treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu và cấp phát trên 10.000 tờ rơi, sách mỏng, băng đĩa tuyên truyền cho cơ sở.
Tổ chức 106 chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại 53 xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; cung cấp phương tiện tránh thai miễn phí cho trên 6.000 người đặt dụng cụ tử cung, 232 người cấy thuốc tránh thai, trên 1.000 người tiêm thuốc tránh thai; đảm bảo 100% người dân tại các xã vùng III và thôn, bản đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ triệt sản, đặt dụng cụ tử cung, tiêm thuốc tránh thai miễn phí; cung ứng thuốc tránh thai cho 100% đối tượng có nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được duy trì thực hiện, cụ thể: trong số 8.664 ca sàng lọc bằng siêu âm có 1.771 ca sàng lọc đảm bảo đủ quy trình (siêu âm đồng thời xét nghiệm máu mẹ); sàng lọc trẻ sơ sinh cho 3.931 trẻ, đạt 35,1%, tăng 5,4% so cùng kỳ… ; 64 câu lạc bộ tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân tại 9/9 huyện, thị, thành phố duy trì sinh hoạt câu lạc bộ đều đặn, hiệu quả. Toàn tỉnh tổ chức 43 buổi hội thảo nói chuyện chuyên đề, 634 buổi tuyên truyền lồng ghép, nói chuyện chăm sóc sức khỏe sinh sản và kỹ năng sống…
100% xã, phường, thị trấn duy trì các hoạt động can thiệp giảm thiểu cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh năm 2022 là 111,1 trẻ trai/100 trẻ gái. Công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được ngành đặc biệt chú trọng, tỷ lệ người cao tuổi được thăm khám bệnh định kỳ đạt 74,1%, tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội, cùng với những giải pháp, biện pháp kịp thời, đúng hướng, năm 2022, tỷ lệ giảm sinh toàn tỉnh là 0,42%0, đạt 200% kế hoạch; tỷ số giới tính trẻ mới sinh đạt 111,6, bằng 100% kế hoạch; tỷ lệ sàng lọc trước là 77,3%, đạt 172% kế hoạch… Xã Tân Lập, huyện Lục Yên đạt tiêu chí giảm trên 50% số người sinh con thứ 3 trở lên so với năm 2021, 39 thôn, bản không có người sinh con thứ 3.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác DS-KHHGĐ vẫn còn những tồn tại cần khắc phục là: kết quả giảm sinh chưa vững chắc, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn phổ biến; tâm lý sinh con trai và mong có con trai trong gia đình vẫn còn, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đó là những vấn đề mà Yên Bái cần phải tiếp tục tìm ra những giải pháp phù hợp để công tác DS-KHHGĐ trong năm 2023 và những năm tiếp theo đạt kết quả tốt.
Ngọc Trúc