Thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách như hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Đề án phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội..., các cấp HPN đã góp phần triển khai thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình; hạn chế xảy ra tình trạng phụ nữ bị xâm hại, bạo lực, tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề về xã hội...
Nhiều mô hình, câu lạc bộ được HPN các cấp xây dựng và phát triển, nhằm tạo môi trường, điều kiện cho phụ nữ vươn lên, phát triển bản thân, nâng cao quyền năng kinh tế như: "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, "Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi” hay các mô hình, cách làm hay, thiết thực trong công tác gia đình, chăm sóc và bảo vệ trẻ em như: "Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, "Chi hội phụ nữ hạnh phúc”, "Làng quê/thôn bản/tổ dân phố an toàn/hạnh phúc”... tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng môi trường để chị em phụ nữ, trẻ em gái sống an toàn, hạnh phúc.
Các cấp Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm hỗ trợ chị em, nhất là hỗ trợ cho phụ nữ tự tin, tự chủ, khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh, như: "Ngày hội phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” hàng năm; tọa đàm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; kết nối giao thương, xúc tiến thương mại; tập huấn cho phụ nữ các kiến thức về khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.
Năm 2022, các cấp Hội đã tập huấn cho 195 phụ nữ là quản lý, thành viên doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh các kiến thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…
Cùng với đó, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức về bình đẳng giới cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; đặc biệt chú trọng công tác bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2022, các cấp HPN đã tổ chức 2 sự kiện và 137 buổi truyền thông tại các huyện: Yên Bình, Trạm Tấu, Văn Chấn, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ về phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…; tổ chức 6 hội nghị tập huấn cho 400 cán bộ chi, tổ và hội viên phụ nữ về chính sách dân số, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, kiến thức kỹ năng lồng ghép giới; phối hợp với Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam tổ chức 1 hội thảo quốc gia và 1 hội thảo cấp tỉnh về phòng chống bạo lực giới góp phần xây dựng gia đình bình an - xã hội hạnh phúc… Qua đó đã góp phần quan trọng trong nâng cao nhận thức của phụ nữ nói riêng và người dân nói chung về bình đẳng giới.
Thực hiện Kế hoạch "Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030” của UBND tỉnh, theo bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng tới cán bộ, hội viên; triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và tỉnh phát động; thực hiện 5 chuẩn mực "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và rèn luyện phẩm chất đạo đức "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, xây dựng hình ảnh người phụ nữ Yên Bái thời đại mới; tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy tính chủ động, sáng tạo trong phát triển sản xuất, kinh doanh; tích cực thực hiện các phong trào hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế…
Cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội; tích cực tham mưu thực hiện công tác cán bộ nữ theo Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Đề án số 11 của Tỉnh ủy về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”…; kiên trì phương châm "Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội” để tập hợp, phát triển hội viên, đồng hành cùng hội viên, phụ nữ…
Thu Hạnh