Sổ hộ khẩu giấy cho đến nay đã tồn tại hơn 70 năm. Sổ hộ khẩu có lẽ được coi như vật bất ly thân với nhiều hộ gia đình vì nó liên quan đến rất nhiều thủ tục hành chính như là Khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký tạm trú, tạm vắng, nhận con nuôi, làm sổ đỏ, đăng ký nhập học, chuyển cấp học, tình trạng hôn nhân, xin xác nhận sơ yếu lý lịch, cho tặng thừa kế, xác nhận hộ nghèo và cả chứng tử nữa… Không có quyền sổ này thì không thể làm được bất cứ thủ tục hành chính nào.
Nhưng từ đầu năm nay, sổ hộ khẩu bản giấy bị loại bỏ, thay vào đó việc quản lý dân cư sẽ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là bước tiến vượt bậc trong chuyển đối số ở Việt Nam mà mất nhiều năm mới làm được. Các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Đã có 60 tỉnh, thành kết nối với hệ thống này.
Về nguyên tắc, khi làm các thủ tục hành chính, người dân chỉ cần xuất trình căn cước công dân, các cơ quan chức năng sẽ tra cứu được thông tin cần thiết. Nhưng thực tế thì người dân vẫn còn vất vả ngược xuôi.. để xác nhận cư trú. Trước còn hộ khẩu thì người dân không phải làm thêm thủ tục này, giờ bỏ hộ khẩu giấy lại phải đi làm giấy xác nhận cư trú, thêm sự bất tiện và phiền hà.
Vướng mắc sau khi bỏ hộ khẩu giấy
Giải quyết hồ sơ đăng kí kết hôn của một công dân dựa vào những dữ liệu trên hệ thống. Kết quả mà cán bộ UBND phường Hàng Gai nhận được là như thế này: "Xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thất bại. Không tìm thấy thông tin công dân". Phường Hàng Gai thậm chí còn chưa có tên trong mục "Cơ quan thực hiện" trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Giải pháp tạm thời của cán bộ phường là liên hệ sang công an để xác minh và giải quyết luôn.
Ông Nguyễn Mạnh Linh - Chủ tịch UBND phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhìn nhận: "Thực tế là trên hệ thống kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thì ở bộ phận một cửa của chúng tôi chỉ kết nối được với 6 trường thông tin họ tên số điện thoại tỉnh thành phố và số nhà. Chúng tôi xin kiến nghị trong thời gian tới cần phải được mở thêm các trường thông tin".
Còn tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, kể từ khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, lượng người đến trụ sở Công an phường để xin giấy xác nhận thông tin cư trú lại đông hơn.
Ông Đồ Minh Tuấn - Phó Trưởng Công an phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: "Công việc chúng tôi cũng nhiều hơn. Rất nhiều trường hợp hộ khẩu một nơi, nhưng mua nhà và ở một nơi khác. Từ trước đến nay khi có sổ hộ khẩu thì người dân vẫn phải thực hiện thủ tục xác nhận nơi ở hiện tại. Có những trường hợp vì đảm bảo mục đích, nhu cầu chính đáng của người dân mà chúng tôi vẫn linh hoạt làm nhanh, tạo điều kiện làm trong 1 ngày cho người dân".
Gần 2 tháng qua, vướng mắc nhiều nhất là thủ tục đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân và thủ tục đất đai.
Dữ liệu không đủ. Dữ liệu sai. Dữ liệu chưa có. Đây là tình trạng chung mà nhiều cán bộ phường trên cả nước đang gặp phải.
Bà Nguyễn Thanh Nga - Phó Trưởng phòng kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đề đạt: "Chúng tôi cũng rất mong muốn khi có các dữ liệu chia sẻ kết nối thì khi đó việc thực hiện bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu giấy, và thông tin cư trú sẽ thuận lợi hơn, tránh được những vướng mắc khi có những thông tin chưa kịp thời cập nhật, ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra, hoặc công dân phải đi xin xác nhận những thông tin liên quan".
Rà soát bỏ giấy xác nhận nơi cư trú
Giấy xác nhận cư trú là 1 trong 7 phương thức xác minh cư trú của công dân sau khi bỏ sổ hộ khẩu giấy. Giấy này để cho các địa phương ở những khu vực chưa phủ sóng Internet, vùng sâu, vùng xa, biên giới sử dụng... nhưng sau đó nhiều nơi lạm dụng, buộc người dân xin giấy xác nhận nên gây bức xúc. Hiện TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đã có những chuyển đổi tích cực như việc tạm dừng yêu cầu phụ huynh phải xác nhận cư trú cho con chuyển cấp học, hay văn bản khẩn chỉ đạo bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính các cấp bắt buộc phải sử dụng các phương thức khai thác thông tin về cư trú theo đúng quy định. Các địa phương cũng đang gấp rút rà soát các thủ tục hành chính, bỏ yêu cầu xác nhận cư trú tại địa phương.
Làm việc cho một gara ô tô, anh Hạnh thường xuyên hỗ trợ khách hàng đến cơ quan công an làm thủ tục, đăng ký hoặc sang tên đổi chủ khi mua xe. Đến nay việc làm thủ tục đơn giản và nhanh chóng hơn nhiều.
Anh Lê Hữu Hạnh (Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi chỉ cần nhập số căn cước công dân là đã ra tên họ địa chỉ năm sinh...thông tin đầy đủ hết và đã chuyển thông tin sang công an giao thông và em được bấm biển ngay".
Về vấn đề này, Thiếu tá Taj Quang Minh - Đội Đăng ký xe, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cho hay: "Khi chúng tôi tra các trường thông tin của mã định danh thì trên phương tiện máy móc còn cho ra cả thông tin về chứng minh nhân dân 9 số nên việc đối chiếu rất thuận tiện và đảm bảo đúng qui định của pháp luật".
Còn ở một số phường, vì nhiều lý do cơ sở dữ liệu chưa thật sự hoàn thiện, nhiều đơn vị đã chủ động đưa ra các giải pháp để xác minh được thông tin.
Chị Đỗ Thị Quỳnh - cán bộ phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội nêu: "Về phí, Ủy ban nhân dân phường xác nhận qua công an phường cũng rất nhanh. Chỉ có điều, có những thông tin công an phường phải tra cứu trên tàng thư của công an quận chẳng hạn thì sẽ cần thời gian hơn"
Tại Bộ phận 1 cửa UBND huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, 7 phương thức khai thác thông tin của công dân thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy được niêm yết công khai để công dân biết và thực hiện.
Ông Nguyễn Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Tam Nông nói: "Chúng tôi yêu cầu cán bộ công chức không được yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu giấy hay giấy xác nhận cư trú gây phiền hà cho công dân. Ngay sau khi UBND tỉnh công bố danh mục TTHC chúng tôi sẽ niêm yết công khai".
Không chỉ ở những thành phố lớn, Hà Giang dù là một tỉnh miền núi nhưng ngay từ 1/3 cũng đã chủ động công khai thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết, đồng thời hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử.
"Chúng tôi không yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận thông tin về nơi cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính thì đã giúp cho người dân không phải đến cơ quan công an làm thủ tục xác nhận thông tin và xác nhận qua cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến", ông Nguyễn Tiến Hùng - Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Hà Giang cho biết.
Còn tại thị trấn Khánh Yên, Văn Bàn, Lào Cai, số lượng giao dịch hành chính qua bộ phận một cửa là khá lớn. Hiện nay, thị trấn đang thực hiện 142 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền. Hiện vẫn còn 17 thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc xác nhận của địa phương nơi cư trú.
Ông Lương Mạnh Toản - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn, Lào Cai cho rằng: "Các cơ quan, đơn vị phải được kết nối với cổng dữ liệu quốc gia về dân cư. Người dân phải chủ động trong tích hợp các loại giấy tờ, nâng cao trình độ trong thực hiện các thủ tục trên cổng dịch vụ công quốc gia".
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 12 bộ, ngành; 35 địa phương và 4 doanh nghiệp nhà nước.
Tạo lập dữ liệu phải đi liền với bảo vệ dữ liệu. Trong đó, phải đặc biệt coi trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Qua kiểm tra hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương cho thấy còn tồn tại rất nhiều lỗ hổng bảo mật cần khắc phục.
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, C06, Bộ Công an, trong thòi gian qua, các bộ ngành địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên sự đồng bộ về dữ liệu, sự đồng bộ về mặt hệ thống, vì bảo mật và an toàn vẫn còn hạn chế. Mục tiêu xây dựng trung tâm dữ liệu này sẽ khắc phục những điều đó.
Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đề xuất: "Chúng tôi tư vấn xây dựng những hệ thống giám sát liên tục, thường trực để phát hiện những nguy cơ tấn công mới nhất, nhằm tăng cường những rủi ro mất mát thông tin. Và đặc biệt xây dựng khung hệ thống, đảm bảo việc khai thác dữ liệu chung vừa phát huy được giá trị nhưng vẫn đảm bảo tính bí mật và riêng tư của từng cá nhân.
Với nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được hoàn thiện và bảo đảm cập nhật, Bộ Công an cho bết luôn sẵn sàng hỗ trợ các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng, tạo lập dữ liệu, qua đó vừa tận dụng những dữ liệu đã có.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc kết nối và chia sẻ dữ liệu là xu thế của thời đại, là mặc định, không còn là một lựa chọn.
Ngoài ra, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu cho phép nâng cao độ minh bạch, cũng như trách nhiệm giải trình và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Phương thức xác nhận nơi cư trú
Theo quy định việc xác minh nơi cư trú có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức, như căn cước công dân gắn chíp điện tử, ứng dụng VNEID, tra cứu trên Cơ sở dữ liệu dân cư... . Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có thể coi là một cuộc "cách mạng" trong quan lý dân cư ở Việt Nam trong gần 7 thập kỷ qua. Việc bỏ sổ hộ khẩu giấy không chỉ là việc thay đổi một cách cơ học mà thay vào đó là phương thức quản lý hoàn toàn mới trên môi trường số, điện tử, thay đổi cả tư duy, nhận thức của lãnh đạo, hệ thống quản lý, chính quyền, cán bộ các cấp trong quản lý hành chính. Tuy nhiên, từ nay, đến giữa năm các bộ có liên quan và chính quyền các địa phương còn rất nhiều việc phải làm để việc chuyển đổi số này mang lại lợi ích thực sự cho người dân, đó là nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính như thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ gia đình, hay ban hành quy định, hướng dẫn về lưu trữ hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện... Đây đều là những nhiệm vụ đáng lẽ phải được thực hiện đồng bộ với việc bỏ hộ khẩu giấy, nhưng muộn còn hơn không.
Ông Nguyễn Hùng Huế - Trưởng phòng Phòng kiểm soát thủ tục hành chính khối Kinh tế ngành, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ và bà Trương Ngọc Bích - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
(Theo VTV)