Triển khai tại 2 xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn và thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, Dự án đặt mục tiêu nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho người dân để tích cực tham gia hiệu quả hơn vào quá trình giám sát việc BVMT trong KTKS của các DN; đồng thời, thay đổi nhận thức của DN về minh bạch đóng góp phí BVMT, cùng chính quyền có trách nhiệm BVMT.
Để đạt được mục tiêu này, trước hết, Dự án đã mời chuyên gia tư vấn thực hiện khảo sát thu thập thông tin đầu vào của 18 DN hoạt động KTKS tại 2 xã Dự án về thực trạng ảnh hưởng chất thải tác động đến môi trường; ảnh hưởng về sinh kế, đất, nhà ở; năng lực giám sát kinh tế; bình đẳng giới.
Từ đó, Dự án đã tổ chức nhiều hoạt động học tập, tọa đàm, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng về các chủ đề: chính sách pháp luật về BVMT và công khai thông tin môi trường trong lĩnh vực KTKS; vận động nhóm doanh nghiệp; quy định về thuế, phí BVMT… tạo điều kiện để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, thảo luận về những tác động với môi trường và đưa ra giải pháp tích cực.
Dự án còn hỗ trợ thành lập 2 nhóm phụ nữ nòng cốt cộng đồng gồm 40 chị em nhằm cung cấp kỹ năng, kiến thức, năng lực thực hiện giám sát trong lĩnh vực KTKS của DN.
Chị Vũ Thị Sáu - đại diện Nhóm Đồng Khê xanh chia sẻ: "Lần đầu tiên chúng tôi được cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng như thế. Chúng tôi đã hiểu biết sâu hơn về phương pháp nghiên cứu, nâng cao năng lực giám sát cộng đồng về nghĩa vụ đóng thuế, phí BVMT; biết phân tích, đánh giá tác động ảnh hưởng của KTKS tới môi trường để cùng DN, các bên liên quan thực hiện các giải pháp".
"Chúng tôi cũng xây dựng và thực hiện sáng kiến "Giảm thiểu ô nhiễm bụi, khí thải” để xây dựng ý thức cho cộng đồng dân cư, chia sẻ cùng doanh nghiệp bằng cách tham gia góp sức cải tạo đường giao thông xuống cấp, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tưới nước 4 lần/ngày, quét thu gom đất đá rơi ra đường… hướng tới hài hòa lợi ích các bên vì mục tiêu chung là BVMT” - chị Sáu nói.
Trong quá trình tham gia Dự án, chị em phụ nữ địa phương còn cải thiện sự tự tin khi được tham gia ý kiến, trao đổi tại các sự kiện đông người; có kỹ năng, kiến thức để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, hàng xóm thực hiện các hoạt động BVMT.
Cùng với người dân, chính quyền địa phương cũng được cung cấp kiến thức để hiểu được bản chất của phí BVMT, hiểu được quyền lợi của địa phương nơi có hoạt động KTKS, từ đó chủ động lập kế hoạch xin phân bổ ngân sách từ nguồn thu phí BVMT nhằm bù đắp, cải tạo, phục hồi môi trường. Cộng đồng, cơ quan quản lý cũng nhận diện được các biện pháp bảo vệ, phục hồi môi trường phù hợp với mục đích sử dụng từ nguồn phí BVMT.
Nhờ đó, sau 2 năm triển khai thực hiện, các đơn vị KTKS đã có sự thay đổi cả về nhận thức và hành động. DN quan tâm tạo việc làm cho người lao động là người dân sát khu vực KTKS. Các cơ quan liên quan cũng đã cùng DN chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông dành cho khu công nghiệp vận chuyển khoáng sản tại thị trấn Yên Thế, tránh đi chung với đường dân sinh. 18/18 DN đã cam kết về việc phục hồi môi trường và sinh kế, có cân nhắc đến cân bằng giới cũng như nộp đủ và minh bạch phí BVMT.
Nhiều DN đã hạn chế tiếng ồn, giảm khối lượng, số lần nổ mìn trong ngày tránh rạn nứt nhà ở của nhân dân; xây dựng kho chứa, bể lắng nhằm quản lý chất thải, nước thải; dập bụi chủ động tại các vị trí phát sinh bụi thường xuyên bằng cách tưới nước tại đầu băng tải, máy nghiền đá và tuyến đường ra vào mỏ; tăng diện tích trồng cây xanh…
Rõ ràng, bằng cách trao kiến thức, kỹ năng cho các bên liên quan, trao quyền giám sát cho cộng đồng đã thay đổi nhận thức, hình thành hành động, nâng cao trách nhiệm cho tất cả các đối tượng trong cộng đồng chung tay BVMT bền vững. Đó cũng chính là mục tiêu cốt lõi mà Dự án hướng tới.
Hoài Anh