Một sáng tháng 8, cùng Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin và Bảo trợ người khuyết tật, bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đến thăm gia đình ông Nguyễn Xuân Hạnh ở thôn Yên Minh, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái là nạn nhân CĐDC. Năm 1965, ông Hạnh tham gia quân tình nguyện Lào.
Đến năm 1968, ông đi "B” (chiến trường miền Nam). May mắn trở về với thân hình lành lặn rồi ông lập gia đình và những người con lần lượt ra đời. Những tưởng như cuộc sống sẽ bình yên trôi đi nhưng nỗi đau ập đến khi bản thân ông nhiễm CĐDC suy giảm mất sức lao động 61% và người con trai cả của ông sinh năm 1970 bị dị tật cho di chứng chất độc da cam từ bố mất sức lao động 81%.
Ông Hạnh chia sẻ: "Những năm qua, chính quyền địa phương, đồng đội và hội nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, tặng quà vào dịp lễ, tết, tôi cũng cảm thấy an ủi phần nào. Tuy mang trong mình bệnh tật nhưng chúng tôi vẫn cố gắng xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa để cùng với thôn, xóm với xã xây dựng nông thôn mới vững mạnh”.
Mỗi lần đến những mái nhà của những nạn nhân CĐDC là thêm một lần cảm nhận được sự tàn khốc của cuộc chiến tranh hóa học khi những người con của họ phải chịu nỗi bất hạnh đeo đẳng hàng ngày. Đó là trường hợp vợ chồng ông Lương Công Tâm ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình.
Theo lời kể của ông Tâm, năm 1974, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ với nhiệm vụ chở quân tư trang, nhu yếu phẩm phục vụ chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Khi phục viên trở về, ông lập gia đình mà không biết trong cơ thể mình mang theo thứ hóa chất độc hại mang tên da cam. Chỉ khi sinh con ông mới biết những chuyến xe, những cung đường ông đã đi qua là vùng bị rải CĐDC của quân đội Mỹ và ông bị nhiễm CĐDC suy giảm sức lao động 61%.
Đau đớn hơn là 2 người con trai của ông sinh ra đều nhiễm CĐDC từ bố, trí tuệ chậm phát triển, ốm đau thường xuyên nên cơ thể cũng gầy gò. Trong câu chuyện với những nạn nhân CĐDC, nỗi đau lớn nhất là mỗi ngày thức dậy, họ nhìn thấy những người con do mình dứt ruột sinh ra lớn lên mà không có khôn, ngơ ngác, lê lết, gào thét...
Trong hoàn cảnh ấy, nhiều người lính vượt lên nỗi đau, phát triển kinh tế gia đình tích cực tham gia công tác xã hội. Đó là trường hợp của ông Trần Thái Phong ở tổ dân phố số 7, thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn.
Rời ghế nhà trường phổ thông trung học, năm 1971, chàng thanh niên Trần Thái Phong lên đường nhập ngũ giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt. Sau thời gian huấn luyện, được bổ sung vào Sư đoàn 316 làm nhiệm vụ chiến đấu ở nước bạn Lào. Sau đó, ông tham ra chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh.
Khi đơn vị được điều động về phía Bắc để chuẩn bị cho cuộc chiến biên giới, do sức khỏe yếu nên cuối năm 1978, ông được phục viên rồi lập gia đình. Bản thân bị nhiễm chất độc hóa học, sức khỏe yếu, hoàn cảnh gia đình đông con, trong đó người con đầu của ông sinh năm 1979 bị ảnh hưởng CĐDC bị câm điếc bẩm sinh, nuôi bảy năm mới biết đi, một nửa người di chứng.
Vượt qua những khó khăn, phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ”, xác định lấy mục tiêu phát triển kinh tế lên hàng đầu, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động con cháu trong gia đình lao động, sản xuất như: trồng rau màu, trồng và cải tạo chè, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; trong đó, riêng mô hình chăn nuôi chim bồ câu đã cho gia đình thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, gia đình xây được nhà kiên cố; các cháu có nghề nghiệp ổn định. Bên cạnh đó, tuy sức khỏe yếu nhưng ông luôn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để chi viện cho chiến trường miền Nam, tỉnh Yên Bái có hàng vạn nam, nữ thanh niên lên đường phục vụ chiến đấu. Trong số đó, có gần 1.200 người bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó có 677 người trực tiếp tham gia kháng chiến và 504 con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học.
Những năm qua, sự hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với những cống hiến, hy sinh của người có công, trong đó có nạn nhân da cam.
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, những năm qua, hội nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp thường xuyên hỗ trợ tư vấn cho các đối tượng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị các cấp có thẩm quyền xét giám định đủ điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.
Cùng đó, vận động hội viên và kêu gọi ủng hộ từ các nguồn lực để có kinh phí thăm hỏi, động viên gia đình hội viên khi ốm đau, không may gặp hoạn nạn; hỗ trợ sửa chữa; làm mới 20 ngôi nhà, tặng hàng nghìn suất quà, học bổng, xe lăn với số tiền hàng tỷ đồng cho gia đình nạn nhân CĐDC. Sự chung tay vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp, mạnh thường quân đã giúp gia đình của nạn nhân CĐDC vững vàng hơn trong cuộc sống.
Tuy vậy, chính sách với người nhiễm chất độc hóa học vẫn còn những khoảng trống, khi mà trong câu chuyện với những cựu binh, nạn nhân CĐDC, được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 26 trường hợp thuộc thế hệ thứ 3 chịu di chứng da cam chưa được hưởng trợ cấp và có khoảng 130 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học chưa được hưởng chế độ do mất giấy tờ. Vì vậy, hành trình xoa dịu nỗi đau da cam rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành chức năng trong xem xét, giải quyết chế độ cho chính nạn nhân và người thân của họ.
Đó là việc sớm bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thế hệ thứ ba của những nạn nhân nhiễm chất độc hóa học được thụ hưởng chính sách đối với người có công để các gia đình giảm bớt khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Văn Thông