Đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại các phiên tòa có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo việc xét xử diễn ra đúng trình tự, trừng trị những người phạm tội, đồng thời thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước. Mỗi phiên xử án còn có tác dụng giáo dục pháp luật một cách trực tiếp và sâu sắc đối với những người tham dự phiên tòa, đặc biệt là người thân của phạm nhân.
Việc đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho các phiên tòa không chỉ đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ lực lượng thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp phải có nghiệp vụ chuyên môn, ý thức trách nhiệm cao mà cần sự hợp tác của những người đến tham dự phiên tòa.
Mô hình "Cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát hỗ trợ tư pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, thân nhân bị can, bị cáo chấp hành tốt các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự tại các phiên tòa” của Chi bộ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Yên Bái đã ra đời và được nhân rộng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác.
Thực hiện Kế hoạch số 118 của Đảng ủy Công an tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo” và Kế hoạch số 138 của Đảng ủy Công an tỉnh Yên Bái; Chi ủy, chi bộ và lãnh đạo chỉ huy Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự nhận thức rõ, việc xây dựng và triển khai mô hình dân vận có ý nghĩa quan trọng, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mình.
Từ nhận thức đó, Chi bộ đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên đến toàn thể cán bộ đảng viên; đề ra nghị quyết chuyên đề "Triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo, gắn với thực hiện nhiệm vụ được giao”. Tập thể cán bộ đảng viên đã sôi nổi thảo luận và đi đến thống nhất, xây dựng mô hình dân vận khéo.
Bên cạnh đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình Chi bộ, đơn vị Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự đã cụ thể hóa công tác dân vận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thông qua các kế hoạch công tác, từ đó tạo ra sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sỹ trong thực hiện công tác dân vận phục bảo đảm an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Thượng tá Đào Mạnh Cường - Phó Trường Phòng Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp cho biết: Các phiên xét xử, nhất là xử các vụ án hình sự, kinh tế, tham nhũng có nhiều phạm nhân… bên cạnh những người được toàn triệu tập luôn có đông người thân quen, người hiếu kỳ đến theo dõi phiên tòa. Nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự là yêu cầu bắt buộc và hết sức quan trọng.
Thực hiện mục tiêu mà mô hình đưa ra, cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp đã chủ động, tích cực vận động, tuyên truyền thân nhân của các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan, nguyên đơn, bị đơn có giấy triệu tập và người dân đến tham dự phiên tòa về quy định, nội quy phiên tòa, các văn bản của Tòa án nhân dân Tối cao, UBND tỉnh Yên Bái, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái…
Đặc biệt trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh Covid-19, thực hiện "5K" của Bộ Y tế, cán bộ chiến sỹ đã tích cực tổ chức tuyên truyền vận động người dân không tập trung đông người, giữ đúng khoảng cách, đeo khẩu trang, khai báo y tế, khử khuẩn trước khi vào phòng xử án.
Riêng trong năm 2021 lực lượng hỗ trợ tư pháp đã xây dựng 47 kế hoạch, phân công 476 lượt cán bộ chiến sỹ thực hiện trích xuất 106 bị cáo, bảo vệ an toàn tuyệt đối 96 phiên tòa hình sự, đặc biệt không để những người không có liên quan tiếp xúc gần với bị can, bị cáo, phạm nhân khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp; xây dựng 20 kế hoạch phân công 133 lượt cán bộ chiến sỹ, bảo vệ an toàn tuyệt đối 20 phiên tòa dân sự; xây dựng kế hoạch phân công 7 CBCS trích xuất, áp giải 1 bị can (liên quan đến vụ án giết người) đi thực nghiệm điều tra tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.
Trong tháng 9/2021, Chi bộ Phòng Thi hành án hình sự đã xây dựng kế hoạch phân công 2 tổ công tác phối hợp với Công an huyện Mù Cang Chải tổ chức vận động người dân, gia đình, thân nhân của 2 đối tượng truy nã cung cấp thông tin về đối tượng, kết quả đã bắt giữ 2 đối tượng truy nã trốn thi hành án, những đối tượng truy nã nêu trên đều là người dân tộc thiểu số, có mối quan hệ họ hàng, anh em, dòng tộc nhiều tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệp vụ trong đó có biện pháp dân vận tuyên tuyền, vận động, giải thích cho nhân dân vì vậy người dân đã đồng tình ủng hộ giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ.
Từ khi triển khai mô hình đến nay, lực lượng hỗ trợ tư pháp Công an Yên Bái đã bảo vệ an toàn tuyệt đối 408 phiên toàn hình sự, 136 phiên tòa dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, nhiều phiên xử thu hút hàng trăm người đến từ nhiều tỉnh, thành, có yếu tố phức tạp nhưng việc chấp hành quy định pháp luật vẫn diễn ra một cách bình thường.
Được biết, trong quá trình thực hiện kế hoạch áp giải bị cáo, bảo vệ các phiên tòa xét xử, áp giải bị can phục vụ công tác điều tra, cán bộ, chiến sỹ do được giáo dục chính trị tư tưởng, thường xuyên rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lễ tiết, tác phong và điều lệnh CAND trong tiếp xúc với nhân dân, nâng cao ý thức học tập về nghiệp vụ, pháp luật nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Qua việc thực hiện mô hình, các phiên tòa được đảm bảo an toàn về ANTT, những người tham dự phiên tòa đã nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, không để xảy ra tình trạng mất ANTT trong phiên tòa góp phần đảm bảo ANTT-TTATXH, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Gần dân, tiếp xúc với dân, chủ động tích cực tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành đầy đủ chính sách pháp luật nói chung; giữ gì trật tự, chấp hành các quy định bắt buộc trong các phiên xử nói riêng... đó là những kết quả tốt đẹp mà Mô hình "Cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát hỗ trợ tư pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, thân nhân bị can, bị cáo chấp hành tốt các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự tại các phiên tòa” đã mang lại, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sỹ Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.
Tấn Đạt - Hải Yến