Xuất ngũ trở về địa phương sau thời gian đi nghĩa vụ quân sự, em Lò Văn Thanh - xã Hát Lừu loay hoay chưa chọn được công việc phù hợp với bản thân. Được cán bộ xã thông tin và qua tìm hiểu về thị trường lao động Hàn Quốc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Thanh muốn tham gia vào thị trường Hàn Quốc. Vì vậy, em đã theo dõi lịch đăng ký, thời gian tổ chức thi, các quy định và điều kiện đăng ký đi XKLĐ làm việc tại Hàn Quốc. Thanh đang học lớp tiếng Hàn ở Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Thanh cho biết sẽ tập trung học tập thật tốt để có cơ hội XKLĐ sang Hàn Quốc.
Được biết, Hàn Quốc là thị trường lao động mà nhiều người lao động Việt Nam nói chung và Yên Bái nói riêng muốn được làm việc tại đây. Sứ sở "Kim chi” là nơi thu hút nhiều người lao động bởi các yếu tố: Hàn Quốc là nước phát triển, vì thế có nhiều việc làm, được học hỏi, nâng cao tay nghề và cơ hội tuyển dụng lớn; mức lương mà người đi XKLĐ Hàn Quốc nhận được khá cao từ 40 - 60 triệu/tháng tùy công việc, trong khi chi phí đi XKLĐ tại quốc gia này khá hợp lý so với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, những năm gần đây, do già hóa dân số, Hàn Quốc ngày càng thiếu hụt nhân lực. Chính phủ Hàn Quốc đang tích cực điều chỉnh chính sách để thu hút nhiều nhân lực nước ngoài sang làm việc tại Hàn Quốc, do đó, thị trường XKLĐ Hàn Quốc khá sôi động.
Hiện nay, thị trường XKLĐ Hàn Quốc có nhiều chương trình được triển khai như: E7- diện lao động kỹ sư, kỹ thuật; du học vừa học vừa làm; chương trình thời vụ và thu hút nhiều lao động sang làm việc tại Hàn Quốc là chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là EPS).
EPS là chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, có hiệu lực từ năm 2004; là chương trình phối hợp giữa Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam.
Người lao động đi XKLĐ theo Chương trình EPS sẽ được hỗ trợ về chọn ngành nghề và các ưu đãi về hỗ trợ chi phí học, thủ tục xuất cảnh; chương trình tuyển dụng độ tuổi dài nhất từ 18 đến dưới 39 tuổi… Khi đạt đủ điều kiện để tham gia làm việc theo Chương trình EPS, NLĐ sẽ được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ và được hưởng những quyền lợi cơ bản bình đẳng như lao động Hàn Quốc.
Tuy nhiên, người lao động đi XKLĐ theo Chương trình EPS phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn do phía Hàn Quốc phối hợp với Việt Nam tổ chức. Sau khi đạt yêu cầu qua các vòng thi, người lao động sẽ tiến hành khám sức khỏe và làm hồ sơ dự tuyển để giới thiệu với chủ sử dụng lao động. Chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng, người lao động mới làm thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc.
Kết quả, năm 2022, theo Chương trình EPS, Việt Nam có gần 9.000 lao động nhập cảnh và chỉ tiêu năm 2023 sẽ tuyển khoảng trên 10.000 người, gồm các ngành nghề: sản xuất chế tạo, xây dựng, công nghiệp, ngư nghiệp…
Tại Việt Nam, Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ tuyển chọn và phái cử lao động sang Hàn Quốc làm việc và mỗi địa phương, Bộ giao nhiệm vụ cho các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ở Yên Bái, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái là đơn vị duy nhất tiếp nhận và hướng dẫn quy trình đăng ký đi làm việc theo Chương trình EPS. Lao động tỉnh Yên Bái tham gia vào thị trường lao động Hàn Quốc hơn chục năm và đã có hàng trăm lao động đã và đang làm việc có thời hạn tại quốc gia này.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giới thiệu các doanh nghiệp đến địa phương trên địa bàn tỉnh để tuyển người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đã có 268 lao động đã xuất cảnh, chủ yếu sang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…
Nếu như năm 2020 - 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, toàn tỉnh đưa được 35 người lao động đi lao động tại Hàn Quốc; riêng 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 64 người đi Hàn Quốc làm việc.
Có được kết quả trên là do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động, tích cực tuyên truyền, phổ biến thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động trong tỉnh tiếp cận được với cơ hội việc làm tại thị trường Hàn Quốc. Thế nhưng, người lao động đi lao động tại Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh còn ít so với các địa phương khác, nguyên nhân do những yêu cầu của Chương trình EPS khá cao cả về kiến thức chuyên môn và khả năng ngoại ngữ, trong khi lao động của tỉnh còn nhiều hạn chế.
Để tạo điều kiện cho lao động tiếp cận với Chương trình EPS, thời gian tới, ngoài việc thông tin kịp thời tình hình thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang tăng cường hỗ trợ người lao động về ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng, định hướng, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường XKLĐ tại thị trường Hàn Quốc.
Thu Hiền