Xác định được tầm quan trọng của thiết bị, đồ dùng dạy học, nhiều năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành GD&ĐT đã quan tâm chỉ đạo các nhà trường về công tác tiếp nhận, bảo quản, sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học.
Ở Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên), việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học đã có những chuyển biến tích cực và đem lại những hiệu quả thiết thực trong đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học.
Để khai thác, bảo quản, sử dụng thiết bị hiệu quả, nhà trường thành lập Ban cơ sở vật chất, tổ thiết bị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Tổ thiết bị xây dựng nội quy, quy chế về quản lý, sử dụng thiết bị dạy học, phòng học thông minh, tiên tiến đồng thời triển khai việc học tập nội quy, quy chế sử dụng thiết bị đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong trường qua các buổi họp, qua website của trường; email cá nhân, nhóm Zalo...
Nhà trường đã xây dựng các quy định về hồ sơ quản lý, sử dụng thiết bị dạy học đảm bảo; xây dựng hệ thống hồ sơ sổ sách tiếp nhận, quản lý, sử dụng thiết bị hàng năm, sổ theo dõi sử dụng thiết bị của giáo viên ở từng tổ chuyên môn và việc sử dụng thiết bị của giáo viên được thể hiện trên sổ đầu bài các lớp.
Hàng năm, nhà trường đều xây dựng kế hoạch bảo quản, sử dụng thiết bị và chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch của tổ, của cá nhân, đưa trực tiếp vào khung chương trình môn học; đồng thời, yêu cầu 100% giáo viên thực hiện, coi đây là yêu cầu bắt buộc trong hoạt động dạy học của giáo viên.
Để việc sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học của giáo viên thực sự đồng bộ, hiệu quả, nhà trường tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên về sử dụng các thiết bị dạy học, sử dụng các phần mềm kiểm tra đánh giá trên máy tính bảng, phần mềm làm đề trắc nghiệm, tập huấn sử dụng phòng học tiên tiến, các thiết bị của phòng học thông minh...
Vào đầu năm học, nhà trường chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn rà soát toàn bộ hệ thống thiết bị; lập danh mục thiết bị sử dụng trong năm học để toàn thể giáo viên triển khai xây dựng kế hoạch giảng dạy, nhà trường coi đây là yêu cầu bắt buộc.
Những môn, những bài cần thiết phải sử dụng thiết bị mà nhà trường không có hoặc đã bị hỏng nhóm chuyên môn xây dựng phương án thay thế, có thể nghiên cứu các nguồn học liệu để xây dựng và sử dụng thí nghiệm ảo, các mô phỏng trực tuyến ở một số môn học như: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ… để giải quyết khó khăn trước mắt do thiếu thiết bị.
Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc sử dụng thiết bị của giáo viên bằng nhiều hình thức như: kiểm tra trên hồ sơ của tổ chuyên môn, của giáo viên, kiểm tra sổ sách mượn trả, sổ đầu bài, dự giờ trực tiếp giáo viên; xây dựng quy định về hội giảng cấp tổ, cấp trường yêu cầu việc sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học của giáo viên, coi đây là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá giờ dạy của giáo viên.
Trong điều kiện ngân sách cấp còn hạn hẹp, nhà trường chủ trương tiết kiệm các nguồn chi, kết hợp với làm tốt công tác xã hội hóa để hàng năm mua sắm bổ sung, sửa chữa những thiết bị, đồ dùng dạy học cần thiết cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy và học nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Chất lượng giáo dục đại trà duy trì bền vững vượt tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia. Hàng năm, trên 70% học sinh được xếp loại học sinh khá giỏi; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm đạt 99% trở lên. Chất lượng mũi nhọn có nhiều chuyển biến rõ nét, hàng năm nhà trường có từ 25 - 30 học sinh giỏi cấp tỉnh, 2-3 dự án khoa học kỹ thuật đạt giải cấp tỉnh; nhà trường luôn duy trì trong tốp đầu các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Thanh Vy