Chỉ sau vài ngày Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực, chúng tôi tới gia đình chị B.T.H ở thôn Cầu Yên, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình. Chị là một trong những người đầu tiên được thụ hưởng chính sách tín dụng cho người hoàn lương.
Từng lầm lỡ và đầu tháng 4/2020, chị đã được trở về với gia đình sau thời gian chấp hành án phạt tù. Rào cản lớn nhất trong hành trình tái hòa nhập cộng đồng của chị là không có vốn để tự sản xuất, kinh doanh. Chị làm thuê đủ nghề để mưu sinh, chủ yếu vẫn là làm gỗ với ngày công cũng chỉ khoảng 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, gỗ rừng trồng ế ẩm, người dân không khai thác gỗ, theo đó thu nhập cũng bấp bênh.
Đang lúc khó khăn thì thông qua tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và chính quyền địa phương, chị được vay số tiền 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện để sản xuất, kinh doanh. Chị H. chia sẻ: "Với số vốn này, gia đình sẽ tập trung trồng và chăm sóc gần 3 ha đồi rừng. Cảm ơn đến Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho tôi có cơ hội vươn lên, làm lại cuộc đời. Tôi nhất định sẽ phát triển kinh tế gia đình từ khoản vay quý giá này".
Cũng như chị H., một trong số những trường hợp được giải ngân cho vay đợt này là chị Bùi Thị Huế ở thôn Đăng Thọ, xã Phú Thịnh. Chồng chị - anh L.V.B đã chấp hành xong án phạt tù từ năm 2020.
Chị Huế không giấu được niềm vui vì đã có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh: "Đây là nguồn lực tiếp thêm sức mạnh để gia đình vực dậy trong cuộc sống, đặc biệt là chồng tôi có công việc ổn định, chuyên tâm làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng”.
Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm người chấp hành xong án phạt tù về sinh sống tại địa phương. Trong quá khứ, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau đưa đẩy nên họ phạm phải sai lầm, phải trả giá bằng những năm tháng trong trại giam.
Bên cạnh những người sau khi về với cộng đồng, gia đình đã hiểu biết hơn về pháp luật, nhận ra lỗi lầm của bản thân trong quá khứ, chuyên tâm làm ăn thì vẫn còn nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt khi trở về địa phương phải đối mặt với nhiều rào cản, trở ngại như: chịu sự kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử của cộng đồng xã hội, đặc biệt là khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, tạo kế sinh nhai.
Hành trình tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời mới của những người lầm lỡ giờ không còn đơn độc nhờ có sự đồng hành, tiếp sức của chính sách tín dụng mang tính nhân văn của Chính phủ.
Ông Đào Bá Hiệp - Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết: "Thực hiện chính sách tín dụng cho người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng, xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng chính sách đến bà con nhân dân, nhất là những đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Đây là chính sách rất thiết thực, hữu ích giúp cho những trường hợp đã vi phạm pháp luật nay hoàn lương trở về địa phương có công ăn việc làm, xóa hiềm khích cũng như mặc cảm của bản thân; giúp họ tạo công việc ổn định, không tái phạm tệ nạn xã hội cũng như vi phạm pháp luật”.
Theo Quyết định số 22, người chấp hành xong án phạt tù sẽ được hỗ trợ vay vốn để đào tạo nghề, để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định này là cơ chế tín dụng đầu tiên dành riêng cho người chấp hành xong án phạt tù. Đây là chính sách thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước giúp người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định khi trở về địa phương.
Chính vì lẽ đó, ngay sau khi Quyết định được ban hành, hệ thống NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Chính phủ đến với nhân dân, đặc biệt là đến với các đối tượng thụ hưởng.
Cùng với đó công an các địa phương tiến hành rà soát, cùng phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay từ NHCSXH xác định đối tượng và nhu cầu vốn, đảm bảo đáp ứng kịp thời. Với phương châm thấu hiểu, đồng hành và chia sẻ. Chỉ sau vài ngày Quyết định số 22 có hiệu lực, những khách hàng đầu tiên đã được NHCSXH tỉnh giải ngân.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Bình cho biết: Để chính sách đi vào cuộc sống, Phòng Giao dịch đã chủ động báo cáo UBND huyện, Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH cấp huyện về việc triển khai chương trình cho vay theo Quyết định số 22. Đồng thời phối hợp với UBND xã, công an các xã, thị trấn tiến hành rà soát danh sách các đối tượng thụ hưởng, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn; phổ biến, hướng dẫn tổ chức hội nhận ủy thác và tổ tiết kiệm và vay vốn lập thủ tục hồ sơ cho vay và đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách mới kịp thời đến với nhân dân trên địa bàn. Đến thời điểm này, Phòng giao dịch đã giải ngân tổng số tiền 150 triệu đồng cho 3 hộ dân có người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn.
Với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian tới, hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quy trình, thủ tục cho vay, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất - kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; chủ động để bảo đảm nguồn vốn cho vay. Các ngành, các địa phương cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để lan tỏa chính sách này trong cuộc sống.
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực từ ngày 10/10/2023. Theo Quyết định này, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đến thời điểm được vay vốn tối đa là 5 năm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội và có nhu cầu vay vốn thì sẽ được công an cấp xã lập danh sách, có xác nhận của UBND cùng cấp gửi NHCSXH làm thủ tục vay vốn với lãi suất ưu đãi như đối với hộ nghèo. Nếu vay để đào tạo nghề tối đa sẽ là 4 triệu đồng/người/tháng. Nếu vay để sản xuất, kinh doanh thì được vay tối đa 100 triệu đồng/người.
Đáng chú ý, theo Quyết định số 22, những cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng tối thiểu 10% trên tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù, có nhu cầu và có phương án vay vốn, được UBND cấp xã xác nhận thì có thể vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh.
|
Văn Thông