Tại điểm cầu tỉnh Yên Bái, đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Trên 60% các vụ cháy là do sự cố hệ thống, thiết bị điện
Theo báo cáo, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 15/10/2023, toàn quốc xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy, làm chết 134 người, bị thương 101 người, thiệt hại về tài sản ước tính 229,75 tỷ đồng và 207 ha rừng; xảy ra 10 vụ nổ, làm chết 5 người, bị thương 18 người. Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu là do sự cố hệ thống, thiết bị điện, chiếm tới trên 60%.
Các bộ, ngành, UBND địa phương đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 01, Công điện số 220, Công điện số 825 và đã đạt được một số kết quả nhất định. Bộ Công an đã chủ động ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo thực hiện; chỉ đạo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) ban hành văn bản hướng dẫn; thành lập các tổ công tác thường trực theo dõi, hướng dẫn Công an các địa phương, doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thiết lập đường dây nóng để chủ động tiếp nhận thông tin…
Đặc biệt sau khi Công điện số 825/CĐ-TTg ban hành, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các địa phương, đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao, đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện
Theo đó, toàn quốc có 3.732 nhà chung cư, 192.860 nhà trọ, 1.585 nhà ở nhiều căn hộ và 99.707 nhà ở kết hợp kinh doanh chất hàng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Do đó cần tích cực triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH.
Đã có 35 địa phương ban hành nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về triển khai thực hiện Điều 63a Luật PCCC, 56/63 địa phương xây dựng Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng… Nhiều địa phương đã triển khai mô hình an toàn PCCC tại khu dân cư; vận động hộ gia đình mở lối thoát thứ 2, trang bị bình chữa cháy xác tay, thực tập phương án chữa cháy và CNCH…
Nhờ đó, công tác PCCC và CNCH đã có nhiều chuyển biến tích cực; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; ý thức, kiến thức về PCCC của người dân ngày càng được nâng lên; chính quyền địa phương các cấp đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH.
Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ vẫn đang diễn biến phức tạp với rất nhiều nguyên nhân: một số quy định của pháp luật về PCCC chưa theo kịp sự phát triển của xã hội; cơ sở hạ tầng được xây dựng lâu năm, nhiều công trình cũ, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng không thể khắc phục được ngay; ý thức, kiến thức, kỹ năng của một bộ phận nhân dân về công tác PCCC chưa cao...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, nhất là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, làm rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm từ đó, có những đề xuất, kiến nghị, giải pháp căn cơ, quyết liệt và khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và doanh nghiệp.
Thường xuyên, liên tục, sát sao trong công tác PCCC
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, công tác PCCC và CNCH nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển của đất nước cần đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của các cơ quan nhà nước cùng sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp; phải đảm bảo an toàn, tận dụng hiệu quả các nguồn lực, lấy người dân làm chủ thể, trung tâm.
Thủ tướng đề nghị thủ trưởng các bộ, ngành, các địa phương nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đưa ra những giải pháp căn cơ để thực hiện hiệu quả công tác PCCC trong tình hình mới.
Các bộ, ngành, địa phương cần sớm khắc phục những nguyên nhân, hạn chế, tồn tại đã được chỉ rõ và có giải pháp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc trong thực hiện công tác PCCC và CNCH; bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, các cấp, các ngành phải sớm hoàn thiện những quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với tình hình thực tiễn; tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn kỹ năng về PCCC và CNCH cho nhân dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh những vi phạm liên quan đến PCCC và CNCH.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương nhằm thực hiện tốt hơn công tác PCCC và CNCH trong thời gian tới.
Hoài Anh