Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%
Năm 2023, Bộ LĐTB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Bộ đã thực hiện các giải pháp kết nối cung - cầu lao động, nhất là kết nối thông tin về lao động - việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm.
Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27 - 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu. Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh. Hiện tại có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Ước thực hiện cả năm, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 39,25%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng trên 31,58%, đạt và vượt các mục tiêu đề ra.
Công tác chăm sóc người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện hiệu quả. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho 1.138.816 đối tượng với kinh phí thực hiện cả năm khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với tổng kinh phí 100 tỷ đồng. Các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" được đẩy mạnh. Đến ngày 20/11/2023, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được trên 600 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới khoảng 4.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa khoảng 3.500 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 580 tỷ đồng; tặng 10.500 sổ tiết kiệm với kinh phí trên 27 tỷ đồng. Cả nước có 2.950 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời...
Công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm. 95% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu; trên 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật, gần 1 triệu người khuyết tật được vay vốn phát triển sản xuất; hơn 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; hơn 90% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc...
Các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của hộ nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh; bình đẳng giới ngày càng thực chất; công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm đẩy mạnh...
Yên Bái giải quyết việc làm cho 22.872 lao động
Tỉnh Yên Bái năm 2023 đã giải quyết việc làm cho 22.872/19.500 lao động, đạt 117,3% kế hoạch, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022; giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho 3.831 người, với tổng số tiền 60,08 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 3.898 người; đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 20.532/18.000 người, đạt 114,1% kế hoạch, tăng 3,7% so với năm 2022. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,7%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 36,7%. Chuyển dịch 8.093/7.000 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đạt 115,6% kế hoạch, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022. Toàn tỉnh thẩm định, giải quyết chế độ chính sách cho 9.069 lượt trường hợp hồ sơ người có công, đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và thực hiện có hiệu quả...
Năm 2024, cả nước phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%; đưa khoảng 125 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 42 - 43%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 33 - 33,5%...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Tác động của nền kinh tế toàn cầu năm 2023 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà ước, Chính phủ, kinh tế - xã hội của Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng khá, vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội, giảm nghèo, công tác chăm lo đời sống người có công tiếp tục được quan tâm...
Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH cần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội; phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành theo đúng cơ chế kinh tế thị trường, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội trong năm 2024...
Thanh Tân