Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2023, số vụ vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra chiếm khoảng 25% tổng số vụ vi phạm pháp luật. Trong đó, một số loại vi phạm pháp luật phổ biến là: trộm cắp tài sản, đánh nhau gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, sử dụng ma túy, vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn giao thông... Tại Yên Bái, số vụ vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra cũng có chiều hướng gia tăng.
Chỉ riêng trong lĩnh vực vi phạm trật tự an toàn giao thông, 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 80 vụ tai nạn giao thông làm chết 29 người, bị thương 78 người. Trong đó, tai nạn liên quan đến thanh, thiếu niên là học sinh 14 vụ, làm 4 người chết, 11 người bị thương.
Qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 2.020 đối tượng vi phạm thanh thiếu niên là học sinh (trong đó, vi phạm nồng độ cồn là 79 trường hợp, chạy quá tốc độ cho phép 239 trường hợp; chở quá số người quy định 106 trường hợp; vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm 1.296 trường hợp; chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện 1.675 trường hợp); tạm giữ 1.440 phương tiện là mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; phát hiện và bắt giữ 5 vụ, tạm giữ 31 phương tiện; xử lý 31 đối trượng thanh thiếu niên tụ tập, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy phóng nhanh, lạng lách, gây mất trật tự công cộng.
Thiếu tá Lê Anh Tuấn - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh cho biết: "Hiện nay, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông còn diễn ra phổ biến, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng tụ tập đi xe lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép ở thành phố Yên Bái, các huyện: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn…”.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật trong giới trẻ; trong đó, thiếu hiểu biết pháp luật là nguyên nhân hàng đầu. Nhiều bạn trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, không hiểu rõ về các quy định của pháp luật, dẫn đến việc không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Nhiều thanh, thiếu niên chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng sống, không biết cách ứng xử trước những tình huống khó khăn, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường vi phạm pháp luật. Ngoài ra, các yếu tố tiêu cực từ môi trường xung quanh như: bạo lực gia đình, bạo lực học đường… hay do thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình và nhà trường cũng dẫn đến việc hình thành các hành vi lệch lạc, vi phạm pháp luật trong giới trẻ.
Để phòng, chống vi phạm pháp luật trong giới trẻ, cần có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội; trong đó, cần tập trung tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Đây là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho giới trẻ thông qua các hình thức như: tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, tờ gấp, thi sân khấu hóa...; đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động ngoại khóa, các chương trình giáo dục kỹ năng sống để giúp các bạn trẻ biết ứng phó với các tình huống trong cuộc sống.
Cùng với đó, cần phải cải thiện môi trường sống, học tập, sinh hoạt của giới trẻ, bởi môi trường sống, học tập, sinh hoạt lành mạnh sẽ góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật của giới trẻ, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện. Các gia đình cần quan tâm, giáo dục con cái một cách đúng đắn, giúp các em hình thành nhân cách tốt, có ý thức chấp hành pháp luật. Các nhà trường cần đổi mới phương pháp giáo dục, giúp các em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Hồng Oanh