Bà Trung đội phó phá bom cảm tử ngày ấy - bây giờ ?

  • Cập nhật: Chủ nhật, 14/1/2024 | 1:56:56 PM

YênBái - Bà là Phạm Thị Phúc, nguyên Trung đội phó đội phá bom cảm tử xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) cuối năm 1972 đầu năm 1973. Nay bà đã 73 tuổi. Bà vẫn sống ở xóm Cầu Dài, nơi chôn rau cắt rốn của bà.

Bà PHạm Thị Phúc, Trung đội phó đội phá bom cảm tử xã Minh Bảo, TP Yên Bái.
Bà PHạm Thị Phúc, Trung đội phó đội phá bom cảm tử xã Minh Bảo, TP Yên Bái.

Năm 14 tuổi,  cô Phạm Thị Phúc đã phổng phao dáng thiếu nữ, cô được dân quân huy động ra lấp hố bom, san đường bị sạt để thông đường cho xe đi. Thế là từ đó cô mặc nhiên thành dân quân xã. Có bất cứ nhiệm vụ gì Xã đội trưởng cần dân quân, họ đều gọi cô.

Những năm Mỹ đánh bom ác liệt 1964 - 1968, cô cùng Trung đội dân quân vừa sản xuất vừa trực chiến. Đang cấy lúa hay làm cỏ dưới đồng, nghe kẻng báo động là họ bỏ cuốc cày, chạy lên trận địa sẵn sàng chiến đấu. Họ có nhiệm vụ bắn máy bay và đếm bom roi. Trận địa chỉ có khẩu 12ly 7, vài khẩu CKC, AK thế nhưng vẫn bắn máy bay vì chúng bay thấp lắm, nhìn rõ thùng dầu phụ và con số ghi dưới cánh, dưới bụng máy bay. Ở các quả đồi gần đó, pháo cao xạ các loại được dàn trận. Khi máy bay đến họ hô to: "Bắn ", tức bắn nhưng chưa thấy máy bay nào rơi.

Ngày đó, các phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang" rất rầm rộ. Thanh niên trong xã đủ tuổi, đủ sức khỏe đều đi bộ đội; phụ nữ thì vào dân quân. Nhiệm vụ của dân quân là trực chiến, phá bom, cứu người, chữa cháy ...

Hình ảnh cô dân quân đầu đội mũ rơm, súng chéo vai còn đọng mãi trong ký ức người dân xã Minh Bảo.


Bộ huân huy chương, Chiến sĩ thi đua của bà Phúc (Ảnh do bà Phạm Thị Phúc cung cấp).

Ngày tết đại đội dân quân phân nhau trực chiến. Các bà, các cháu học sinh mang hoa quả, bánh kẹo, mứt, bánh chưng lên tận trận địa tặng các cô.

Khi Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc sau 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" tháng 12/1972, xã Minh Bảo thành lập Trung đội phá bom cảm tử, cô được giao nhiệm vụ là Trung đội phó, phụ trách hậu cần. Gọi là phụ trách hậu cần cho oai chứ hàng ngày cô đều đi đào đất, khiêng bom. Nếu quả bom ở độ sâu lớn, các cô chặt dăm cây bồ đề bắc ngang miệng hố, tời quả bom lên. Nếu hố nông thì buộc dây vào quả bom như trói con lợn rồi hò reo kéo lên bờ hố. Khẩu lệnh: "Một, hai, ba, kéo!" như hò kéo pháo ở Điện Biên. Lòng bàn tay bám chặt dây, chân xoạc lấy thế, mím môi kéo quả bom từ từ bò lên theo lệnh hô của cô Phúc.

Những hôm trời mưa, đất đồi dẻo như hồ, trơn tuột, những bàn chân bấm vào đất đến bật máu để di chuyển những quả bom đã tháo kíp về nơi tập trung.

Cô chỉ huy đội vận chuyển bom đã tháo kíp về nơi tập trung để Tỉnh đội hủy. Vận chuyển bom nguy hiểm, vất vả mà buồn cười lắm! Ở những nơi không có đường đi, quả bom được các nam dân quân cắp vào nách đi từng bước. Ai không biết sẽ thấy rất lạ hoặc không tin. Mỗi quả bom có 6 đến 8 dân quân đứng so le quàng tay vào quả bom. Cô Trung đội phó hô:

- Một, hai, ba lên!

8 người cùng một lúc nâng quả bom lên. Quả bom đã nằm gọn trong nách của đám dân quân. Tốp người cứ thế cắp quả bom đi từng bước, từng bước trông như đàn kiến tha hạt gạo. Đến chỗ có thể cho trâu kéo được thì họ dừng lại, đặt bom xuống, lấy dây cáp cuốn vào cánh đuôi quả bom rồi đấu vào ách trâu kéo đi. Quả bom đã tháo kíp nổ kéo lê trên đường nghe xèn xoẹt, đoạn đường có đá răm thì rêu roong roong. Cô Nguyễn Minh đánh trâu, cô Kính đi sau quả bom. Cô Kính tinh nghịch còn lấy cành tre quất vào quả bom hét:

- Đi, đi nhanh. Bà sẽ cưa đôi mày ra, lấy thuốc làm mìn đi đánh cá, lấy gang đổ xoong nồi.

Có lúc mỏi chân, cô Minh, cô Kính còn ngồi lên quả bom để trâu kéo.

Công việc phá bom chỉ kéo dài vài tháng. Sau khi phá hết 8 quả bom, cô Phúc được giao nhiệm vụ chỉ huy các cô gái đi nhặt bom bi. Bom bi Mỹ thả nhiều vô cùng. Quả bom bi mẹ to như cái thuyền con. Rơi gần tới đất nó tách ra làm đôi tung ra hàng trăm quả bom bi con như nắm tay trẻ con hoặc như quả dứa non. Đội phá bom thu hồi chúng vè đổ một đống to ở phía dưới Cầu Dài nơi có cầu ngầm. Khi đó chẳng ai hiểu biết về độ nguy hiểm, khả năng sát thương của bom bi nên mọi người chủ quan. Cô Phúc cùng các cô dân quân cắp thúng, cầm gậy và máy dò mìn. Thấy máy kêu tít tít ở đâu thì dừng lại, dùng gậy lật cỏ tìm kiếm. 

Bom bi nằm rải rác trong bụi nứa bụi tre, gốc vầu gốc trẩu, ven suối có đến vài trăm quả. Mỗi ngày các cô nhặt được cả thúng. Về đến trước cửa nhà cô Phúc, họ nghiêng thúng đổ ào xuống đất thành một đống để hôm sau chuyển ra nơi tập trung. Họ chẳng biết sợ là gì vì nghĩ nó đã không nổ là nó bị xịt. Trẻ con nhặt được còn ghè hai quả vào nhau để lấy đai sắt trắng chơi.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phá bom, cô Phúc chuyển sang làm các công việc khác xã giao. Công việc nào cô cũng hoàn thành xuất sắc. Năm 1979 cô được kết nạp vào Đảng. Cô được cấp trên tặng nhiều bằng khen, giấy khen, trong đó có 8 năm liên tục là Chiến sỹ thi đua. Cấp trên (Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam) muốn rút cô lên nhưng lãnh đạo xã Minh Bảo không cho đi vì tín nhiệm cô. Cô trải qua các chức vụ trong xã Phó chủ tịch xã rồi Trưởng công an xã, Phó bí thư chi bộ, Chủ nhiệm Hợp tác xã ...

Mải công tác mãi đến năm 38 tuổi cô mới xây dựng gia đình. Vợ chồng cô sinh được hai người con trai. Cô cười kể rằng tưởng ế cơ. Lúc trẻ cũng có nhiều thanh niên thích cô, hỏi cô nhưng gia đình họ không đồng ý vì cô là đảng viên, là cán tham gia công tác xã hội, bận nhiều công việc, họp hành trên huyện trên tỉnh liên tục. Ngày ấy đi họp phải mang đóng góp tiền và tem gạo đối với khối có sổ gạo, còn cô phải dúm bát gạo đi họp.

Cô còn là giáo viên dạy điều lệnh cho dân quân. Năm 1973, 1975, cô còn huấn luyện cho thanh niên đi đều, đi nghiêm tham gia duyệt, diễu binh ở tỉnh. Cuộc đời người chiến sỹ phá bom cảm tử năm xưa thật vẻ vang oanh liệt. Đời đã trao cho cô bầu nhiệt huyết, lòng dũng cảm trước cái chết khi ngồi trên hố bom, ngồi trên quả bom, khi cắp nách rổ bom bi đưa về nơi tập trung. Bom đạn, cái chết đã đầu hàng cô.

Cô được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 2. Năm nhận tiền Huân chương được 1,2 triều đồng, cô mua chiếc xe đạp để đi lại làm kỷ niệm và liên hoan.

Giờ đây cô sống vui vẻ với con, cháu. Cô vẫn khỏe mạnh, yêu đời sử dụng thành thạo Internet, lướt "phây", nhắn tin cho bạn bè đồng đội.

Cô về hưu và hưởng chế độ lương hưu cho cán bộ xã, phường, hiện nay được khoảng 3 triệu.

(Theo Tạp chí Văn hóa và phát triển)

Tags Trung đội phó phá bom cảm tử xã Minh Bảo Yên Bái tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Ảnh minh họa

Ít nhất 21 thợ mỏ đã thiệt mạng và một số người khác mất tích sau khi một mỏ vàng trong khu vực Simiyu ở phía Bắc Tanzania bị sập sau trận mưa lớn vào buổi sáng cùng ngày.

Không chỉ rét sâu, mà thời gian rét trong các Tết năm Thìn còn có một đặc điểm chung nữa đó là kéo dài.

Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa nhỏ rải rác, trời rét

Thời tiết hôm nay 14/1, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa nhỏ rải rác, riêng Lai Châu, Điện Biên có mưa vài nơi, trưa chiều trời nắng. Thời tiết chi tiết các khu vực trên cả nước

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục