Những ngày giáp Tết Giáp Thìn 2024, chúng tôi về thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mận. Con đường bê tông từ xã Việt Thành, huyện Trấn Yên vào thôn Trúc Đình quê mẹ mùa này hai bên đường hoa chiều tím, ngũ sắc đua nhau khoe sắc. Mẹ Bùi Thị Mận sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng của xã Việt Thành.
Năm 16 tuổi, cô gái Bùi Thị Mận đã là người đầu tiên trong Tổ đội Phụ nữ của thôn đăng ký đi dân công hỏa tuyến, tham gia gánh gạo, mở đường, cứu thương bộ đội ở các tỉnh: Nghĩa Lộ, Lai Châu, Điện Biên…
Cô dân công hỏa tuyến ấy đã nên nghĩa vợ chồng với chàng trai cùng thôn là Hoàng Văn Trường và sinh được 4 trai, 3 gái. Năm 1963, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, đặc biệt là địa bàn tỉnh Sơn La. Con cả của ông Trường là anh Hoàng Văn Hải sinh năm 1945, khi đó chưa đủ 18 tuổi đã xung phong lên đường nhập ngũ. Anh Hải được điều động lên địa bàn tỉnh Sơn La tham gia những trận đánh ác liệt trên địa bàn huyện Yên Châu, Thuận Châu và hy sinh tháng 1/1968.
Nối tiếp truyền thống của gia đình cách mạng, các con của mẹ lớn lên đều hăng hái tham gia các hoạt động của thôn, của xã. Tháng 12/1972, anh Hoàng Minh San con trai cả của mẹ Mận tình nguyện lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại các chiến trường miền Nam, trực tiếp là địa bàn huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh - vùng đất bị đế quốc Mỹ tàn phá nặng nề… Mẹ Mận bùi ngùi nhắc chuyện cũ: "Hôm thằng San nhập ngũ, cả nhà ai cũng khóc, thương con tuổi còn trẻ. Càng ngày, những lá thư của nó viết về cho gia đình thưa dần. Năm 1977, sau 5 năm từ ngày nhập ngũ, gia đình nhận được giấy báo tử. Lúc ấy, con trai mẹ mới tròn 22 tuổi”.
Hai lần tiễn con đi là hai lần mẹ Mận lặng lẽ khóc thầm. Khóc, vì các anh ra đi mãi mãi không trở về như lời đã hứa với mẹ trước khi lên đường. Nỗi đau mất con khiến mẹ như mất một phần cơ thể. Nhờ sự động viên của gia đình, địa phương và bà con chòm xóm, nén đau thương, mẹ mạnh mẽ sống. Năm 2014, mẹ Bùi Thị Mận được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Năm nay, bước sang tuổi 100 nhưng mẹ Mận còn khá minh mẫn. Từ năm 2016, Nhà máy Z183 nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời với mức hỗ trợ 750 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, các đoàn của tỉnh, huyện, xã cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà mẹ…
Cuối tháng 11/2023, mẹ Mận cùng gia đình đón hài cốt liệt sĩ Hải và liệt sĩ San trở về quê hương, phần mộ của các anh được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trấn Yên. Mẹ Mận bộc bạch: "Ơn Đảng, nhờ tỉnh, huyện, xã, người dân mới có cuộc sống ấm no, quê hương mới đổi mới như hôm nay. Riêng mẹ thì còn phải cảm ơn các đơn vị đã chăm lo chu đáo cho mẹ, cảm ơn các đoàn thể, đơn vị thường xuyên tặng quà, động viên mẹ trong những ngày lễ, tết. Những ngày này, thấy cháu con đi xa về quê đoàn tụ gia đình, thăm hỏi xóm làng, mẹ không giấu nổi niềm thương nhớ các anh, nhưng mẹ biết, nếu không có những hy sinh đó, làm sao đất nước mình bình yên và giàu đẹp như hôm nay”.
Toàn tỉnh Yên Bái có 299 Mẹ Việt Nam anh hùng, 5 mẹ còn sống đang được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời với mức từ 500 nghìn đồng trở lên/tháng.
Trong đó, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, điển hình như: Nhà máy Z183 nhận phụng dưỡng mẹ Bùi Thị Mận ở xã Việt Thành có 2 con là liệt sĩ; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hoà ở thị trấn Nông trường Trần Phú; Công ty Xây dựng số 2 tỉnh nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Hao, xã Kiên Thành; Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên nhận chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Mạn, thôn 3, xã Mường Lai; Công ty cổ phần An Tiến Industries Khu công nghiệp phía Nam, thành phố Yên Bái nhận chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Cúc ở thôn Ngòi Bang, xã Bảo Ái...
Bên cạnh việc phụng dưỡng hàng tháng, thăm hỏi các ngày lễ, tết, các đơn vị thường xuyên liên lạc với gia đình, người thân và chính quyền địa phương nắm tình hình sức khỏe, đời sống của các mẹ để thăm hỏi, động viên kịp thời, cùng với gia đình chăm sóc các mẹ khi đau yếu, đặc biệt lúc các mẹ đi điều trị bệnh. Sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các cấp, các ngành, trên địa bàn tỉnh thời gian qua không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, qua đó thể hiện sự tri ân, tình cảm biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh lặng thầm của các mẹ, những cống hiến to lớn của các thế hệ đi trước cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ngày 21/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP về tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từ 1,624 triệu đồng lên mức 2,055 triệu đồng cho người có công, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2023, đã góp phần nâng cao hơn đời sống cho người có công. Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Cúc ở thôn Ngòi Bang, xã Bảo Ái năm nay đã 95 tuổi tóc. Mẹ có 2 người con trai đều hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Từ ngày mất đi 2 người con, mẹ luôn nhận được sự quan tâm, động viên, chăm sóc của Nhà nước, chính quyền địa phương và bà con hàng xóm nên cảm thấy được an ủi phần nào. Hàng tháng, mẹ Cúc được Công ty cổ phần An Tiến Industries Khu công nghiệp phía Nam, thành phố Yên Bái nhận phụng dưỡng với số tiền 1 triệu đồng từ năm 2018 đến nay. Ngoài ra, theo quy định tăng mức trợ cấp đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng thuộc Nghị định 55/2023/NĐ-CP, hiện mức trợ cấp của mẹ Cúc được hưởng tăng từ 6,223 triệu đồng/tháng lên 7,887 triệu đồng/tháng. Chính sách nâng mức trợ cấp đối với người có công sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 9.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Dương Thị Cúc xúc động chia sẻ: "Sau khi được nâng mức trợ cấp, số tiền mà mẹ được hưởng đã tăng thêm. Đây là khoản tiền có ý nghĩa, góp phần cải thiện cuộc sống và còn là nguồn động viên tinh thần để mẹ có thêm sức khỏe, sống an yên trong tình yêu thương của con cháu”. Cùng với đó, chính sách mới cũng tăng mức trợ cấp đối với người phục vụ Mẹ Việt Nam Anh hùng sống ở gia đình tăng từ 1,624 triệu đồng/tháng lên 2,055 triệu đồng/tháng.
Sự hy sinh của các anh - những người con của Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mận và Dương Thị Cúc và rất nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng giúp chúng ta thêm trân quý giá trị hòa bình. Cuộc sống tươi đẹp hôm nay không chỉ được đánh đổi bằng máu xương của thế hệ cha anh đi trước mà còn là cả sự hy sinh thầm lặng của biết bao người mẹ anh hùng. Đúng như những ca từ mà cố nhạc sĩ Xuân Hồng từng viết: "Nước mắt mẹ không còn vì khóc những đứa con lần lượt ra đi, đi mãi mãi. Thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng nhưng vết thương lòng mẹ vẫn còn nặng mang…”.
Không thể đong đếm được những nỗi đau mà các mẹ âm thầm chịu đựng để đất nước nở hoa độc lập. Việc truy tặng, phong tặng danh hiệu Nhà nước cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng và nhận chăm sóc, phụng dưỡng cũng như thực hiện các chính sách trợ cấp ưu đãi các mẹ là một việc làm đầy ý nghĩa, thể hiện sự tri ân, tôn kính của cả dân tộc đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng. Mỗi độ xuân về, đón tết cổ truyền của dân tộc, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều hoạt động chung tay chăm lo Tết cho gia đình chính sách và hộ nghèo - đó là nét đẹp truyền thống với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, để các Mẹ Việt Nam anh hùng và mỗi gia đình chính sách được vui tết, đón xuân trong ấm áp nghĩa tình dân tộc.
Thu Hiền