Đó là nội dung được nêu ra tại thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang - trưởng Ban Chỉ đạo - tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Đánh giá việc sắp xếp đơn vị hành chính là nhiệm vụ hệ trọng nhưng phức tạp, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan quán triệt quan điểm chỉ đạo đã được nêu tại các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các công điện của Thủ tướng.
Theo đó, thực hiện sáp nhập phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định, tôn trọng kiến nghị hợp lý của các địa phương về các đặc thù của từng vùng, miền, địa bàn trong cả nước. Mục tiêu nhằm bảo đảm tiến độ sắp xếp.
Các bộ, ngành trung ương cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc xây dựng đề án của từng địa phương, cũng như quá trình thực hiện.
Cùng với đó, làm tốt công tác truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cả về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể có liên quan, bị tác động và ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp.
Với các nhiệm vụ cụ thể, ông Quang yêu cầu Bộ Nội vụ, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chủ động hướng dẫn, đôn đốc các địa phương; có cơ chế tiếp nhận thông tin từ địa phương, tổng hợp kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo các cấp để xử lý, tháo gỡ trong thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất.
Trong đó, bộ trưởng Bộ Nội vụ tổng hợp, tiếp thu ý kiến thảo luận để hoàn thiện và ký báo cáo về tình hình thực hiện. Từ đó trình trưởng Ban Chỉ đạo xem xét, ký ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ của năm 2024 và phân công các thành viên thực hiện.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ chủ trì thẩm định hồ sơ đề án của các địa phương theo hướng ưu tiên các địa phương có số lượng đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp không nhiều, đã hoàn thiện xong đề án sớm so với thời hạn yêu cầu. Quá trình thực hiện cần phân nhóm các địa phương thực hiện theo các đợt, tránh dồn vào một thời điểm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu và đề xuất xử lý các vướng mắc với 10 địa phương đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh trước khi có nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ hướng dẫn các địa phương về việc bố trí kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính quy định tại nghị quyết số 35.
Bộ Tài chính được yêu cầu sớm trình để Chính phủ xem xét, ban hành nghị định thay thế nghị định số 167 năm 2017 và nghị định số 67 năm 2021 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Trong đó, có bổ sung đối tượng là các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong công tác quy hoạch và phân loại đô thị để bảo đảm tiến độ xây dựng và trình hồ sơ đề án sắp xếp của các địa phương, hoàn thành chậm nhất trong tháng 9 năm nay theo chỉ đạo.
Năm 2024 sẽ sắp xếp, sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.243 đơn vị cấp xã
Theo báo cáo, từ phương án tổng thể của 56 tỉnh, thành - Bộ Nội vụ tổng hợp, trong năm 2024 sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã.
Đánh giá cao sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong việc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Phó thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế.
Đó là việc sắp xếp đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị còn gặp nhiều khó khăn do phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Thời gian thực hiện sắp xếp gấp, đồng thời phải tiến hành chặt chẽ, qua nhiều thủ tục nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ thời gian theo yêu cầu.
(Theo TTO)