Nếu ai đã lâu chưa trở lại xã Phình Hồ, chắc sẽ ngỡ ngàng trước những đổi thay của xã vùng cao đầy khó khăn này. Được Nhà nước đầu tư, con đường bê tông liên xã rộng 3 m nứt nẻ, chênh vênh, gấp khúc được thay thế bằng đường tỉnh 174, rộng 6 m, bê tông phẳng lỳ; gần 100% số hộ dân có điện lưới quốc gia.
Có được những điều kiện cơ bản này, đã kéo gần, kết nối Phình Hồ với các trục giao thông chính; từ đó, địa phương bắt đầu được các nhà đầu tư để ý. Người đầu tiên đặt chân khai thác Phình Hồ là anh Hà Văn Hoàn, 35 tuổi - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản phẩm nông nghiệp Tây Bắc Tabala. Có lẽ, anh Hoàn đã nhìn ra thế mạnh nơi đây về một "view triệu đô” với khoảng không gian có thể ôm trọn thị xã Nghĩa Lộ rực rỡ, biển mây bồng bềnh khi sáng sớm để sẵn sàng đầu tư hàng tỷ đồng vào Dự án Khu du lịch Lau Camping Phình Hồ, ra mắt đi vào hoạt động hồi tháng 2 năm ngoái.
Đây là khu du lịch đầu tiên tại Phình Hồ, nhưng quy mô lại thuộc tốp đầu của tỉnh với diện tích được phê duyệt đầu tư lên tới 4,5 ha, bao gồm đa dạng các dịch vụ du lịch: nghỉ dưỡng, nhà hàng, quầy bar, check-in săn mây, tour trải nghiệm văn hóa bản địa và trong năm nay vẫn tiếp tục xây thêm các phòng nghỉ dạng bungalow, bể bơi vô cực.
Song song với đầu tư cơ sở vật chất, anh Hoàn cùng đội ngũ của mình còn thường xuyên làm mới điểm đến này bằng cách tổ chức các hoạt động sáng tạo như: đưa vào sử dụng đường bay dù lượn mới, các đêm nhạc "Hát với mây trời”, các cuộc thi, buổi trình diễn về bản sắc văn hóa dân tộc Mông, chợ phiên… Công ty còn có đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp để quảng bá, giới thiệu và lan tỏa những hình ảnh đẹp đến du khách. Nhờ đó, sức hút của Phình Hồ phủ sóng rộng khắp. Cao trào là dịp nghỉ lễ mùng 2/9 năm ấy, du khách ào ào đổ đến Phình Hồ, gây ra… tắc đường - một hình ảnh chưa bao giờ xuất hiện tại đây.
Chị Sùng Thị Bla ở thôn Chí Lư tâm sự: "Khi ấy, toàn người nơi khác đến đây thôi! Không phải người địa phương mình đâu! Thấy đông người vậy, chúng tôi cũng nhanh chóng mang những sản phẩm mình sản xuất được đem bán và cũng thu được chút tiền. Vui lắm! Chưa bao giờ thấy xã mình được nhiều người đến đông như thế!”.
Năm 2023, xã đón 21.000 lượt du khách, doanh thu gần 15 tỷ đồng - con số cực kỳ ấn tượng, vượt gấp gần 3 mong chờ của địa phương. Anh Sùng A Nu - người địa phương phụ trách quản lý Khu du lịch Lau Camping Phình Hồ bộc bạch: "Phương châm của "Chủ tịch Hoàn” cùng Công ty là làm thế nào để giúp đỡ bà con Phình Hồ phát triển, có việc làm, nâng cao thu nhập? Vì thế, chúng tôi đã liên kết với hơn 10 hộ ở thôn Chí Lư để thu mua rau sạch, gà, lợn bản phục vụ nhà hàng và hơn 70 lao động. Đồng thời, vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, tạo sản phẩm thổ cẩm, hình thành đội văn nghệ phục vụ du khách; huy động thanh niên thành lập câu lạc bộ xe ôm với hơn 50 người để chở khách tham quan, trải nghiệm”.
Xã Phình Hồ đã trở thành một điểm đến đẹp và hấp dẫn với sự hình thành của Khu du lịch LauCamping Phình Hồ.
Tiếp bước anh Hoàn, Thạc sĩ kinh doanh quốc tế
Đỗ Tuấn Lương, 31 tuổi - Phó Giám đốc Phụ trách vận hành và xuất khẩu tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận ở huyện Văn Chấn cũng mạnh dạn khai thác sản phẩm chủ lực của Phình Hồ - chè Shan tuyết cổ thụ. HTX Trà Shan tuyết Phình Hồ do anh Lương làm Giám đốc được thành lập cũng trong năm 2023.
Anh Lương chia sẻ: "Vùng chè Shan tuyết ở đây được đánh giá tốt về chất lượng, nhưng do người dân còn hạn chế về kiến thức, kỹ thuật nên giá trị chè rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Mục tiêu và tầm nhìn của chúng tôi là nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên, bảo tồn vùng chè quý và xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cây chè Shan, chiếm được thị phần trong nước và tiến tới xuất khẩu trong 5 năm tới. Bởi vậy, chúng tôi đã liên kết với các hộ trồng chè địa phương để có thể đào tạo, trang bị kiến thức và thu mua chè búp tươi với giá trị cao hơn”.
Sử dụng những thế mạnh của mình, anh Lương cùng HTX còn khai thác hiệu quả tính phổ biến và sức lan tỏa mạnh mẽ của sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để thực hiện các chiến dịch truyền thông, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Sau 1 năm hoạt động, HTX đã thu được một số kết quả tốt: giữ giá và bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè tươi cho các hộ thành viên; sản lượng chè thành phẩm xuất bán ra thị trường đạt 3 tấn; thương hiệu Trà Shan tuyết Phình Hồ đã cán mốc 15 triệu lượt xem trên các nền tảng xã hội.
Anh Sùng Sấu Chư ở thôn Tà Chử là một trong những hộ liên kết với HTX cho biết: "Gia đình tôi có gần 2 ha trồng chè Shan. Trước khi có HTX Trà Shan tuyết Phình Hồ, chúng tôi chủ yếu bán cho thương lái với giá từ 8.000 đến 16.000 đồng/kg. Nhưng nay, liên kết với HTX, được hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ cây chè, thời điểm, cách thức thu hái đúng chuẩn 1 tôm, 2 lá nên giá bán tăng lên 25.000 - 30.000 đồng/kg. Một năm thu hái 4 vụ, thu về 100 triệu đồng. Kỳ công hơn đấy, nhưng mà thu nhập cao hơn, mừng lắm!”.
Hiện, HTX còn xây dựng được một công xưởng với nhiều máy móc hiện đại, khu vực phun sương với kế hoạch trong năm 2024 sẽ đẩy mạnh sản xuất lên 15 tấn chè thành phẩm và cam kết thu mua giá chè đầu vào tăng 5% so với năm 2023; số lượng thành viên HTX tăng từ 15 lên 45 hộ thành viên.
Anh Lương cũng đang phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp để thực hiện phương pháp kiểm tra các chỉ số khoa học trong vỏ cây chè nhằm xác định tuổi để thực hiện gắn mã QR code lên từng cây chè để thuận tiện cho việc bảo vệ vùng chè cổ thụ cũng như theo dõi sản xuất, tạo ra các sản phẩm chè cao cấp. Đồng hành cùng 2 ông chủ trẻ còn có
Sùng A Tủa, 32 tuổi. A Tủa là người con của Phình Hồ, hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cũng là một Tiktoker có tiếng với hơn 200.000 người theo dõi.
Khác với cách mà anh Hà Văn Hoàn hay Đỗ Tuấn Lương đang làm, A Tủa nỗ lực cùng với những bạn trẻ ở địa phương quảng bá hình ảnh quê hương với hy vọng nhiều người biết đến du lịch và đặc sản của Phình Hồ bằng cách quay các video ngắn hấp dẫn đưa lên mạng xã hội.
"Lại là mình, anh cán bộ xã đây…” - giọng nói hồn nhiên, tràn đầy năng lượng, nụ cười rạng rỡ cùng bộ trang phục dân tộc luôn mở đầu mỗi clip của A Tủa. Những thước phim bình dị về cuộc sống thường nhật, những nét đẹp về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, nghề làm trà truyền thống của đồng bào người Mông nơi đây, vậy mà lại thu hút, lôi cuốn người xem một cách lạ kỳ.
Chính A Tủa cũng chẳng thể ngờ việc làm của mình lại có sức lan tỏa đến thế. Những lời khen dành cho quê hương, những chuyến thiện nguyện, tặng quà, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất đến với đồng bào nhiều hơn. Đặc biệt, Phình Hồ còn trở thành điểm đến được yêu thích; chè Shan tuyết của bà con bán được giá hơn hẳn…
Nhiệt huyết, tri thức, có góc nhìn mới lạ, biết khai thác khoa học kỹ thuật cùng công nghệ số là những gì mà sức mạnh của tuổi trẻ đang hiện diện ở Phình Hồ. Đây sẽ là những viên gạch đầu tiên dựng nên nền móng vững chắc đưa Phình Hồ phát triển trong tương lai.
Hoài Anh