Để đa dạng hóa công tác TTPBGDPL, hàng năm, Phòng Tư pháp huyện đã chủ động tham mưu với UBND huyện kiện toàn Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp huyện 26 thành viên, cấp xã, thị trấn 195 tuyên truyền viên; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ hòa giải viên; kiểm tra việc xây dựng và quản lý, khai thác tủ sách pháp luật; xây dựng kế hoạch TTPBGDPL trong các nhà trường…
Nội dung tuyên truyền tập trung về Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Đất đai, Luật Hộ tịch, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Giao thông đường bộ...
Do đặc thù là huyện vùng cao, với dân tộc Mông chiếm 77% dân số và dân tộc Thái chiếm 16% dân số…, trình độ dân trí không đồng đều nên ngoài việc tuyên truyền các luật theo quy định, Phòng còn tập trung nghiên cứu đặc điểm đời sống, sinh hoạt của từng địa phương để xây dựng công tác tuyên truyền sát với tình hình thực tế của người dân.
Ví dụ, đối với xã Tà Xi Láng tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tác hại của ma túy và phòng, chống ma túy; xã Bản Mù tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; xã Hát Lừu tuyên truyền Luật Phòng, chống mua bán người với các hành vi, thủ đoạn; xã Làng Nhì tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em…
Ông Vũ Xuân Đặng - Trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết: Với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh công tác TTPBGDPL tới người dân, hàng năm, Phòng đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể, hàng năm, tổ chức gần 300 buổi tuyên truyền cho trên 15.000 lượt người tham gia. Cùng với hình thức tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, các địa phương còn tổ chức cho người dân ký cam kết không vi phạm pháp luật.
"Ngoài ra, chúng tôi còn tăng cường rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Những năm trước đây, tình hình sai sót trong công tác trình bày các thể thức văn bản cấp xã, thị trấn thường sai về thể thức, thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do tăng cường tập huấn nghiệp vụ nên các văn bản của cấp xã, thị trấn ban hành đều đảm bảo theo đúng các quy định đề ra” - ông Đặng nói.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ tư pháp từ huyện đến cơ sở đang đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn. Cấp huyện, xã, thị trấn là 26 đầu việc các loại như: chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký và hợp đồng giao dịch; đăng ký khai sinh; đăng ký kết hôn; đăng ký khai tử; thay đổi hộ tịch; xác nhận lại dân tộc… trung bình trên 60.000 bản/năm.
Ngoài ra, Phòng Tư pháp còn chủ động tham mưu giúp huyện xây dựng, ban hành quy chế thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, thị trấn; triển khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính; xác minh điều kiện thi hành án; chuẩn bị thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; đánh giá công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; thực hiện Đề án 498 giai đoạn II (2021 - 2025) về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở còn tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp thông qua các buổi sinh hoạt, cuộc họp thôn bản, xã, băng rôn, khẩu hiệu về việc thực hiện tốt các quy ước ở khu dân cư trong việc phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng chống mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Hiện nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong huyện được trang bị kiến thức pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ; 95% người dân được TTPBGDPL, góp phần giảm thiểu các vụ việc vi phạm pháp luật trên địa bàn. Công tác TTPBGDPL trên địa bàn huyện Trạm Tấu những năm gần đây được đánh giá là thực hiện có nề nếp, đi vào chiều sâu và hình thành ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật, từ đó nâng cao hiểu biết, tôn trọng và ý thức chấp hành pháp luật của người dân không ngừng được nâng lên.
Thời gian tới, Phòng Tư pháp huyện tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương đa dạng hóa công tác TTPBGDPL ở cơ sở, đặc biệt là các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động; đẩy mạnh hoạt động các tổ hòa giải, góp phần để mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Thạch Phong